Thông xe toàn tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài

Đây là trục đường đô thị hướng tâm quan trọng và được mệnh danh đẹp nhất cho đến thời điểm hiện tại của Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1K.
Đoạn đường Phạm Văn Đồng thuộc quận Gò Vấp, TP.HCM. (Ảnh: Tuấn Minh/TTXVN)

Ngày 30/8, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thông xe, đưa vào sử dụng dự án nâng cấp đường Bạch Đằng và Hồng Hà (quận Tân Bình) thuộc dự án đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển GS Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Như vậy, đến nay dự án đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài (nay đổi tên là đường Phạm Văn Đồng) chính thức thông xe toàn tuyến.

Để đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả tuyến đường Bạch Đằng, Hồng Hà, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức phân luồng giao thông.

Cụ thể, nhánh đường Hồng Hà và nhánh đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài đoạn đi qua công viên Gia Định tổ chức lưu thông một chiều tất cả các loại phương tiện theo hướng từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn, cấm đỗ xe toàn bộ nhánh đường trên.

Nhánh đường Bạch Đằng và nhánh đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài đoạn nối tiếp với đường Bạch Đằng hiện hữu, tổ chức lưu thông một chiều tất cả các loại phương tiện theo hướng từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Trường Sơn. Đồng thời, cấm các loại xe ôtô tải lưu thông từ 6-22 giờ, cấm đỗ xe toàn bộ nhánh đường trên.

Trong khi đó, đường Bạch Đằng (đoạn từ đường Hồng Hà đến đường Trường Sơn, phía đường A75), tổ chức lưu thông 2 chiều các loại phương tiện và cấm dừng đỗ xe theo cả 2 hướng lưu thông từ 6 giờ đến 22 giờ.

Dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) do Công ty GS E&C Hàn Quốc làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 340 triệu USD.

Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam do nước ngoài đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), thuộc đường Vành đai số 1, đi qua địa bàn quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với tổng chiều dài 13,6km, chiều rộng toàn tuyến từ 30-60m, gồm 12 làn xe. Điểm đầu từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và điểm cuối kết nối tại nút giao Linh Xuân (quận Thủ Đức).

Để triển khai dự án, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải giải tỏa gần 4.000 hộ dân với diện tích ảnh hưởng 62,53ha, di dời hơn 42 công trình hạ tầng kỹ thuật. Chi phí xây dựng của dự án hơn 2.900 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 7.500 tỷ đồng.

Đây là trục đường đô thị hướng tâm quan trọng và được mệnh danh đẹp nhất cho đến thời điểm hiện tại của Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1K; tạo hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; góp phần chỉnh trang đô thị, thay đổi diện mạo đời sống của hàng nghìn hộ dân.

Tuy nhiên, một bài toán khá nan giải hiện nay là từ khi đưa vào khai thác tuyến đường Phạm Văn Đồng, lượng phương tiện từ phía Đông qua phía Tây thành phố gia tăng đột biến, thường xuyên ùn tắc tại nút giao Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm, Hoàng Minh Giám, Bạch Đồng, Phạm Văn Đồng (trước công viên Gia Định).

Đặc biệt, có khoảng 50% lượng xe ôtô và hơn 90% xe máy sử dụng đường Trường Sơn (kết nối trực tiếp với đường Bạch Đằng, Hồng Hà) để đi từ khu vực phía Đông qua phía Tây mà không vào sân bay Tân Sơn Nhất, khiến giao thông cửa ngõ sân bay vào giờ cao điểm thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục