Sau hơn 7 tháng thi công, sáng nay (30/8), cầu vượt nút giao Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân đã chính thức thông xe, đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần tích cực hạn chế quá tải và ùn tắc giao thông tại khu vực nội thành Hà Nội. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, cầu vượt được khởi công xây dựng vào ngày 17/1/2013, theo tiến độ, cầu sẽ hoàn thành trong vòng 270 ngày. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của nhà thầu cùng đơn vị thi công, cầu đã vượt tiến độ 2 tháng, đưa vào khai thác nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. “Để đảm bảo tiến độ và rút ngắn thời gian thi công, nhà thầu chủ yếu phải thi công vào ban đêm, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán,” ông Hùng cho hay. Phát biểu tại buổi lễ thông xe, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của nhà thầu, đơn vị thi công đã đưa công trình về đích vượt tiến độ, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại nút giao này. “Cầu vượt nút giao Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân cùng với các cầu vượt trước đó được đưa vào khai thác đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông rõ rệt trên địa bàn Thủ đô. Bộ mặt đô thi có sự chuyển biến,” Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh.
Phương tiện lưu thông trên cầu vượt sau khi được thông xe. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Để cầu vượt khai thác có hiệu quả, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội tiến hành tổ chức giao thông cho các phương tiện qua nút giao một cách khoa học, hiệu quả và an toàn nhất. [Phân luồng giao thông qua cầu vượt Trần Khát Chân] “Sở Giao thông Vận tải cần phát huy kinh nghiệm, tập trung chỉ đạo cầu vượt Nguyễn Chí Thanh-Kim Mã sớm hoàn thành tiến độ, đưa vào khai thác trong dịp 10/10 sắp tới. Đẩy nhanh tiến độ cầu vượt nút giao Đào Tấn, xem xét làm cầu vượt nút giao Chùa Bộc…,” Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo thêm. Cũng tại lễ thông xe, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định trao tặng bằng khen cho 9 tập thể và 10 cá nhân ghi nhận sự nỗ lực trong việc đưa cầu vượt về đích sớm so với tiến độ đưa ra./.
Cầu vượt Đại Cồ Việt- Trần Khát Chân được thiết kế bằng kết cấu thép, bê tông cốt thép. Bề rộng cầu là 11m, trong đó phần mặt cầu là 10m và 2 lan can 2 bên rộng 0,5m, chiều dài 352m. Tải trọng thiết kế đảm bảo cho cả xe buýt hoạt động. Tổng mức đầu tư 181 tỷ đồng.
Nhà thầu thi công chính là Liên danh: Công ty Cổ phần Cầu 5 Thăng Long-Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung.
Cầu vượt được thiết kế thanh mảnh, chắc chắn rất phù hợp với cảnh quan, kiến trúc trong đô thị. Bên cạnh đó, một ưu điểm lớn khác là cầu vượt nhẹ chủ yếu bằng kết cấu thép nên có thể dễ dàng tháo dỡ, di dời để phù hợp với những thay đổi trong tổ chức giao thông.
|
Việt Hùng (Vietnam+)