Sáng ngày 29/4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại Lễ Khánh thành tại điểm cầu Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hai đoạn tuyến cao tốc được khánh thành và thông xe ngày hôm nay sẽ nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Trung. Dự án đưa vào khai thác càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại du lịch của người dân tăng cao đồng thời cũng là trước yêu cầu phát triển đất nước.
Nhấn mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong các đột phá của nước ta, những năm qua, Đảng và Nhà nước dành nguồn lực lớn đầu tư có trọng tâm trọng điểm và là nguồn lực quan trọng của từng vùng. Các công trình đường cao tốc, cảng biển, hàng không đang được tích cực xây dựng tạo diện mạo mới, giúp liên kết giữa các vùng miền, mở ra không gian đô thị phát triển mới, giảm thiểu chi phí logitics…
“Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành một nguồn lực lớn đầu tư cao tốc để đến năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và 5.000km vào năm 2030. Từ năm 2.000-2020, nước ta chỉ tổ chức làm trên dưới 1.000km cao tốc. Tuy nhiên, từ nay đến 2025 có thêm 2.000km cao tốc, như vậy trong 5 năm tới sẽ làm đường bộ cao tốc bằng 2 lần của 20 năm trước,” Thủ tướng đưa ra con số so sánh.
Nhìn nhận hành lang kinh tế vận tải Bắc-Nam là xương sống, mang tình quyết định, tạo động lực đột phá giữa các địa phương, Thủ tướng cho biết sau khi đưa 2 dự án này vào thông xe, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông hiện nay đã đưa vào khai thác khoảng 800/2.063km. Tháng 5 này sẽ tiếp tục đưa Dự án Cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo và Nha Trang-Cam Lâm có chiều dài 150km. Như vậy, tính đến tháng 5/2023 có khoảng 950km đường cao tốc theo trục Bắc-Nam (chiếm 47-48%) so với kế hoạch đề ra đến năm 2025.
Đối với Dự án Cao tốc Bắc-Nam, Thủ tướng cũng thừa nhận công trình gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, dịch COVID-19, biến động giá vật liệu, thiếu hụt nguồn vật liệu, thời tiết diễn biến thất thường gây khó khăn cho nhà thầu thi công và tiến độ của dự án.
[Bộ GTVT khánh thành trước 2 Dự án Cao tốc Bắc-Nam vào ngày 29/4]
Biểu dương các nhà thầu, Ban quản lý dự án khi đã huy động đủ máy móc nhân công, “vượt nắng, thắng mưa”, Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của các bộ, ngành nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan, nỗ lực của các cấp chính quyền, giải phóng mặt bằng tái định cư, giải quyết thiếu hụt vật liệu…
Lưu ý các dự án cao tốc cần phối hợp hài hòa, chia sẻ rủi ro, đảm bảo lợi ích giữa nhà thầu, Nhà nước và người dân, Thủ tướng cho rằng, các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 không chia nhỏ các gói thầu; các tiêu chuẩn tiêu chí lựa chọn nhà thầu có uy tín kinh nghiệm, đảm bảo thi công tiết kiệm, an toàn lao động, không đùn đẩy né tránh, chịu trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm làm bài học cho các dự án tiếp theo…
Tại đầu cầu phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá (thuộc đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45), theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, các dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn hành trình di chuyển, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các khu vực phía Bắc Trung Bộ và phía Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến.
Là nhà thầu triển khai nhiều gói thầu xây lắp cao tốc Bắc-Nam cả 2 cao tốc thông xe ngày hôm nay, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết: đơn vị và các nhà thầu đã luôn nỗ lực cố gắng, triển khai thực hiện với tinh thần không nghỉ một ngày để đảm bảo tiến độ đề ra, xác định việc hoàn thành dự án là danh dự, uy tín của doanh nghiệp.
“Vinaconex cùng các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết từng tuần, tháng, quý, dồn mọi nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để thi công bù đắp tiến độ bị chậm do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan; áp dụng các công nghệ và giải pháp thi công tiên tiến nhất, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các mục tiêu thi đua đã cam kết góp phần đưa dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt đối,” ông Thanh quả quyết./.
Dự án Cao tốc Mai Sơn -Quốc lộ 45 có chiều dài tuyến khoảng 63,3km đi qua các tỉnh Ninh Bình (dài 14,3km; tỉnh Thanh Hóa (dài 49km); tổng mức đầu tư là 12.111 tỷ đồng. Dự án Phan Thiết-Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99km đi qua các tỉnh Bình Thuận (dài 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (dài 51,5km), với tổng mức đầu tư 12.577,5 tỷ đồng. |