Thông tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai sau 2 ngày tạm dừng vì sạt lở

Tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai đoạn qua Yên Bái đã lưu thông trở lại sau khi đoạn đường giữa ga Ngòi Hóp và Mậu A bị sạt lở do mưa lớn, tuy nhiên hiện tại, tàu chỉ chạy tốc độ dưới 5 km/h.
Thông tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai sau 2 ngày tạm dừng vì sạt lở ảnh 1Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào huy động nhân lực tiếp tục thực hiện các hạng mục gia cố nền đường. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Với hơn 100 công nhân tham gia khắc phục hậu quả mưa bão, sau 2 ngày, tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai đoạn qua Yên Bái đã lưu thông trở lại vào đêm 8/10.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào cho biết đến 21 giờ ngày 8/10, tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai đoạn qua huyện Văn Yên (Yên Bái) đã chính thức thông tuyến.

Tuy nhiên, do mới thông tuyến tạm thời, tàu chỉ chạy tốc độ dưới 5 km/h. Công ty đang tiếp tục huy động nhân lực thực hiện các hạng mục gia cố nền đường, đảm bảo tàu chạy an toàn với tốc độ cho phép.

Trước đó, rạng sáng 7/10, mưa lớn trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã khiến tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai đoạn đường giữa ga Ngòi Hóp và Mậu A thuộc huyện Trấn Yên và Văn Yên, tỉnh Yên Bái bị sạt lở.

[Yên Bái: Mưa lớn gây nhiều thiệt hại, tạm dừng chạy tàu Hà Nội-Lào Cai]

Phát hiện sự cố do thiên tai gây ra, Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào đã huy động hơn 120 cán bộ, công nhân cùng thiết bị máy móc khẩn trương sửa chữa, khắc phục.

Do vị trí sạt lở rất lớn, lại xảy ra ở địa bàn miền núi, giao thông không thuận tiện nên tiến độ thi công bị chậm. Do địa hình thi công hẹp, nhiều công đoạn công nhân không đưa được máy móc vào nên phải thực hiện thủ công.

Thông tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai sau 2 ngày tạm dừng vì sạt lở ảnh 2Do địa hình thi công hẹp nên công nhân phải thực hiện thủ công nhiều công đoạn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trận mưa lớn đêm 6/10 đến rạng sáng 7/10 xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã làm ba người thiệt mạng; 394 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có hai nhà ở huyện Văn Yên bị cuốn trôi hoàn toàn, 6 nhà phải di dời khẩn cấp, 333 nhà bị ngập nước.

Ngoài ra, gần 139ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị thiệt hại, ngập úng; 4 công trình công cộng bị hư hỏng, ảnh hưởng.

Nhiều tài sản của người dân như ôtô, xe máy bị hư hỏng do ngập nước. Một số công trình đường bộ, thủy lợi và hệ thống đường điện cũng bị sạt lở, ảnh hưởng. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 10,2 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Một trường hợp vi phạm lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị lực lượng cán bộ, chiến sỹ đội CSGT số 7 dừng xe, kiểm tra và xử lý. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nghị định 168 - Chỉ bàn tiến, không bàn lùi!

Tính từ ngày 1/1 (thời điểm Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực) đến ngày 15/1/2025, số vụ tai nạn giao thông giảm cả về 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề.

Công nhân gắn đèn tín hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại một số nút giao. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ùn tắc giao thông căng thẳng, kéo dài nhiều giờ tại TP Hồ Chí Minh

Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực với mức xử phạt cao nên người dân tuân thủ hơn, nhất là hạn chế rẽ phải khi đèn đỏ. Với mật độ xe rất lớn, các tuyến đường khu trung tâm TP Hồ Chí Minh đa phần nút giao lại gần nhau dẫn đến tình trạng dừng chờ kéo dài.