"VAMA không độc quyền"

“Thông tư 20 không tạo ra độc quyền cho VAMA”

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đề nghị giữ nguyên hiệu lực Thông tư 20 về thủ tục nhập xe ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của Thông tư 20/2011/TT-BCT (Thông tư quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống) do Bộ Công Thương ban hành ngày 12/5/2011.

Theo văn bản này, “VAMA hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu của Thông tư 20 liên quan đến người tiêu dùng thông qua hệ thống đại lý được ủy quyền chính hãng với mạng lưới rộng khắp cả nước và quy trình dịch vụ chuyên nghiệp. Do vậy, VAMA rất ngạc nhiên khi có thông tin cho rằng Thông tư 20 có thể tạo ra “độc quyền” trong ngành công nghiệp ôtô. Nếu đây là sự thật thì VAMA hiểu những quan ngại của Bộ Công Thương về vấn đề này.”

Theo VAMA, ngoài 18 thành viên VAMA đang sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô, còn nhiều nhà phân phối khác với các nhãn hiệu khác nhau như Porsche, Audi, Renault, Citroen, BMW, hoặc VW. Chỉ có một nhãn hiệu toàn cầu khác chưa có mặt tại Việt Nam là Peugeot.

Tính đến năm 2012, đã có 23 nhà sản xuất chính hãng đã có mặt ở Việt Nam, lượng xe bán ra khoảng 100.000 xe trong năm 2012, với cam kết đầu tư lâu dài, đầu tư lớn về nhà xưởng, thiết bị, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động. VAMA không cho rằng, VAMA đang giữ vị trí độc quyền trong việc phân phối xe nguyên chiếc.

Tham chiếu với ngành công nghiệp xe máy, hiện nay có hai nhà sản xuất lớn, chiếm khoảng 80% thị phần với hơn 3 triệu xe máy/năm. Vì vậy, có thể có lý do để xem xét vấn đề độc quyền trong trường hợp này.

[Chủ tịch VAMA: Thị trường ôtô Việt Nam giảm 30%]


Đặc biệt, lần đầu tiên triển lãm ôtô được tổ chức ở Hà Nội vào cuối tháng Chín này sẽ quy tụ cả những công ty thành viên VAMA và những công ty không phải là thành viên VAMA - là những nhà phân phối chính hãng theo tinh thần của Thông tư 20. Đây chính là thành quả của Thông tư 20 khi đã tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty thành viên VAMA và các công ty không phải là thành viên VAMA trong việc kinh doanh xe nguyên chiếc.

Tình hình kinh tế khó khăn cộng với việc tăng một số loại phí liên quan cũng như đề xuất mới về phí đã làm cho ngành công nghiệp ôtô suy giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước. Để giải phóng hàng và giải quyết vấn đề nguồn vốn, hầu hết các công ty ôtô đều đã phải thực hiện các chương trình khuyến mãi để có được khách hàng. Điều này khó có thể xảy ra ở một thị trường độc quyền. Quan trọng hơn là những công ty nhập khẩu không chính hãng không tối ưu hóa được việc bảo về quyền lợi người tiêu dùng.

Theo VAMA, những công ty nhập khẩu không chính hãng khó có thể cung cấp 3 năm bảo hành hoặc 100.000km như hầu hết các nhà nhập khẩu chính hãng đang làm đối với tất cả các xe đang lưu hành trên toàn quốc; khó có thể cung cấp dịch vụ cho một chiếc xe trong 10 năm đối với những xe thông thường; không thể tạo ra hàng nghìn việc làm; khó có thể đạt mức độc chuyên nghiệp và minh bạch như những nhà nhập khẩu chính hãng là đại diện của công ty ôtô lớn trên thế giới.

Ngoài ra, trường hợp có yêu cầu triệu hồi xe từ Đăng kiểm Việt Nam hoặc do chính các hãng xe đưa ra yêu cầu, khách hàng mua xe từ nhà nhập khẩu không chính hãng khó có thể yên tâm rằng xe của họ được những kỹ thuật viên chuyên nghiệp sửa chữa với những phụ tùng chính hãng và việc sửa chữa, bảo dưỡng xe của họ được đưa vào hệ thống theo dõi của nhà sản xuất để theo dõi chất lượng xe trong suốt quá trình sử dụng.

Cũng theo VAMA, Thông tư 20 đã và đang là công cụ hữu hiệu để đảm bảo sự an toàn của người tiêu dùng khi họ đưa ra một quyết định quan trọng về việc mua một chiếc xe. Về phía các cơ quan quản lý chức năng của nhà nước, Thông tư 20 đảm bảo rằng hệ thống đại lý đang hoạt động dưới sự giám sát của các nhà sản xuất chính hãng, cả trong trường hợp bình thường và trường hợp có yêu cầu triệu hồi sản phẩm./.

Văn Xuyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục