Thông tư 07: Gỡ "vòng kim cô" cho doanh nghiệp xuất khẩu

Bắt đầu từ hôm nay (1/6), các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn ngoại tệ tái tạo được vay ngoại tệ trở lại để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thông tư 07: Gỡ "vòng kim cô" cho doanh nghiệp xuất khẩu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bắt đầu từ hôm nay (1/6), các doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ tái tạo được vay ngoại tệ trở lại. Đây là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, bởi quy định này sẽ tháo gỡ khó khăn về vốn vay, thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến lo ngại về việc cho vay ngoại tệ có thể ảnh hưởng tới tiến trình chống đô la hóa trong nền kinh tế.

Sự “cởi trói” vô cùng ý nghĩa

Sau hai tháng ngừng cho vay, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ mở lại tín dụng ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu từ ngày 1/6. Quy định trên của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí do lãi suất vay USD hiện chỉ bằng 1/2 so với lãi vay tiền đồng. Với tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách cho vay ngoại tệ trở lại hoàn toàn hợp lý.

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước được nhiều chuyên gia tài chính ủng hộ và cho rằng sẽ làm tăng sức cạnh trạnh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngay trên sân nhà.

Một lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu ở Hải Phòng chia sẻ: “Trong 2 tháng qua, ​khi không còn được vay vốn bằng USD, doanh nghiệp xuất khẩu chúng tôi gặp không ít khó khăn ​vì phải vay vốn lưu động bằng VND với lãi suất cao. Chi phí vốn tăng đã làm tăng giá thành ​sản phẩm khiến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu giảm, doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Rất may là Thống đốc Lê Minh Hưng đã một lần nữa đã gỡ 'vòng kim cô' cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng việc ban hành Thông tư 07.”

Trước đó, Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định từ ngày 1/4/2016, doanh nghiệp xuất khẩu không được vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán trong nước. Đây là một trong những giải pháp làm giảm nhu cầu ngoại tệ trên thị trường, tiến tới giảm dần và chấm dứt tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế sau 2 tháng dừng cho vay ngoại tệ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn khi phải vay vốn bằng tiền đồng với lãi suất cao hơn gấp đôi so với vay bằng USD.

Trong một tháng qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex đã phải giảm đến 80% lượng gạo xuất khẩu. Một phần nguyên nhân là do chi phí vốn xuất khẩu gạo tăng gấp đôi bởi không thể vay được USD phục vụ nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, nhờ Thông tư 07 quy định cho vay ngoại tệ trở lại, trong hai ngày nay doanh nghiệp đã bắt đầu ký lại những hợp đồng xuất khẩu gạo mới.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tich Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu phải cạnh tranh rất khốc liệt với các công ty nước ngoài, nếu như lãi suất vốn vay cao thì giá thành sản phẩm cũng cao theo ​khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ là một tin vui rất quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nhận định, đây là một chuyển biến rất tích cực của Ngân hàng Nhà nước. Quy định này đã đáp ứng được mong mỏi của nhiều doanh nghiệp đang có những đơn hàng xuất nhập khẩu.

“Tôi nghĩ tâm lý các doanh nghiệp sẽ được 'cởi trói' vì nước ta phụ thuộc vào xuất nhập khẩu rất nhiều. Nếu chúng ta không có phương tiện để thanh toán sẽ là một điểm nghẽn rất lớn đối với tất cả các doanh nghiệp. ​Được tiếp cận nguồn vốn vay ngoại tệ với giá rẻ hơn sẽ hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp,” ông Bình phân tích.

Còn theo chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, động thái này của Ngân hàng Nhà nước không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu mà còn hỗ trợ nền kinh tế. Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay thì phải đẩy mạnh xuất khẩu vì xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP.

Thêm vào đó, hiện nay các doanh nghiệp của nước ngoài được hưởng lãi suất cho vay rất thấp thì việc doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được vay ngoại tệ trở lại sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Thông tư 07: Gỡ "vòng kim cô" cho doanh nghiệp xuất khẩu ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Có nên tăng lãi suất huy động USD?

Mặc dù quy định mới của Ngân hàng Nhà nước được nhiều chuyên gia ủng hộ nhưng các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại việc nới lỏng cho vay ngoại tệ có thể gây sức ép giảm giá lên đồng Việt Nam, vốn đang chịu nhiều áp lực do đồng USD có xu hướng mạnh lên, đồng Nhân dân tệ giảm giá.

Trong khi đó hiện nay, các khoản tiền gửi USD đều không kỳ hạn và lãi suất bằng 0% đã làm giảm mạnh số dư tiền gửi bằng ngoại tệ. Nếu nhu cầu vay ngoại tệ tăng mạnh trong thời gian tới có thể dẫn đến tình trạng ngân hàng thương mại tìm cách huy động USD và lãi suất cho vay USD có thể sẽ tăng. Điều này đi ngược với lộ trình chấm dứt tình trạng đô la hóa nền kinh tế mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực đưa ra quan điểm, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét có thể cho phép các ngân hàng thương mại huy động USD với mức lãi suất như trước kia hoặc với mức lãi suất nào đó hơn 0% còn nếu các ngân hàng cho vay thanh khoản thấp trong khi các khoản tiền gửi đều không kỳ hạn thì đây là một rủi ro tín dụng và chắc chắn sẽ làm tăng lãi suất đồng USD.

Trên thực tế cho thấy, sau khi áp trần 0% đối với lãi suất huy động USD, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi huy động, thậm chí có hiện tượng một số ngân hàng tìm cách “lách trần." Chứng tỏ phần nào chính sách cần có sự điều chỉnh và xem xét nâng lãi suất huy động đối với USD để ngân hàng có thể hút vốn và tạo điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước mở lại cho vay ngoại tệ giúp doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất thấp. Nhưng khả năng ngân hàng chỉ coi đây là giải pháp tình thế tạm thời trong giai đoạn khó khăn, chưa hạ được lãi suất tiền đồng nên mở cho vay ngoại tệ. Định hướng chính vẫn là cơ bản chống đô la hóa. Đến khi Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp khác để hạ được lãi suất thì có thể lại siết cho vay ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ USD nên khả năng không tăng lãi suất tiền gửi USD.

Trước những mặt trái mà quy định nới lỏng cho vay ngoại tệ có thể gây ra, theo một số chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước trước mắt chỉ áp dụng quy định này từ tháng Sáu đến hết năm nay là phù hợp.

Bởi đây là khoảng thời gian vừa đủ để Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, vừa để đánh giá lại và điều chỉnh quy định này nếu cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục