Thông tin thú vị về chuyện mùi hương trên thế giới

Câu chuyện mùi hương sẽ mang đến thông tin về văn hóa dùng nước hoa của người Pháp lịch lãm, vùng Trung Đông kì bí, người Nhật bảo thủ …
Câu chuyện về mùi hương khắp thế giới sẽ mang đến nhiều thông tin thú vị về văn hóa sử dụng nước hoa của người Pháp lịch lãm, vùng Trung Đông kì bí, thánh địa Trung Quốc rộng rãi, người Nhật bảo thủ hay người Mỹ luôn yêu chuộng sự mới mẻ … Khi Napoleon rời bỏ hoàng hậu Empress Josephine để theo đuổi công nương nước Áo, vị hoàng hậu xinh đẹp này đã tắm hương căn phòng của mình trước khi ra đi bằng loại nước hoa ưa thích. Hương thơm quyến rũ và dai dẳng mãi vương vấn trong phòng nhiều năm sau đó. Napoleon không thể nào quên được hình bóng nàng mỗi khi ghé qua. Hương thơm như một sự trả thù ngọt ngào và có một sức mạnh vô hình, rõ ràng là như vậy.
Thông tin thú vị về chuyện mùi hương trên thế giới ảnh 1
Nhà pha chế nước hoa Francis Kurkdjian Bạn chắc chẳng ngạc nhiên khi biết câu chuyện này đến từ nước Pháp, thiên tài pha chế nước hoa trẻ tuổi Francis Kurkdjian từng nói: “Nước hoa như một phần của nền văn hóa, giống như rượu và thức ăn. Hương thơm là một phần của cuộc sống.” Với nước Pháp, các cô bé chỉ tầm 12-13 tuổi đã biết làm điệu với nước hoa như thiếu nữ. Kurkdjian hồi tưởng về thời thơ ấu với chai Anais Anais Cacharel của cô chị. “Chúng tôi lớn lên và học cách thoa nước hoa lên vùng cổ, sau đầu gối, cổ tay như một cách trang điểm.” Khi đã trưởng thành, nước hoa được dùng như một vũ khí quyến rũ trong giỏ xách mỗi người đàn bà Pháp. Người Pháp luôn ưa chuộng những loại nước hoa thật nồng và đậm (như Guerlain Shalimar, Chanel No.5), nhưng ở phía Nam Châu Âu, miền Địa Trung Hải, người ta lại ưa chuộng kiểu hương tươi mát. Các loại hương họ cam, chanh rất đặc trưng cho vùng đất này. Một ví dụ điển hình là đảo Sicily nơi có những cánh đồng cam thơm ngát, nơi hội tụ của hai nền văn hóa La Mã và Ả Rập. Lấy cảm hứng từ vùng đất này, Sumit Bhasin đã cho ra đời Pour Femme (D&G), một sự kết hợp hài hòa giữa hương cam và đàn hương cay nồng, hương vị đậm chất Sicily. Ở Trung Đông, nước hoa ăn sâu vào nền văn hóa từ rất sớm. Người Ba Tư từ lâu dã biết cách chưng cất tinh dầu thơm từ hoa bằng hơi nước, và sử dụng chúng hàng ngày. Nước hoa được thoa lên khắp cơ thể trước những giờ cầu nguyện. Phụ nữ dùng nước hoa như một tín hiệu nhận diện riêng vì họ phải mặc những bộ trang phục Hồi giáo. Cách sử dụng nước hoa cũng vô cùng đặc biệt. Họ sẽ sử dụng hương gỗ thật đậm làm nền, sau đó xịt lên trên một loại hương hoa từ Phương Tây. Kiểu pha trộn này cũng rất phổ biến ở Ấn Độ, với mùi cây đàn hương hay patchouli làm chủ đạo, kết hợp với hương hoa gợi cảm như hoa nhài.
Thông tin thú vị về chuyện mùi hương trên thế giới ảnh 2
Trung Quốc rộng lớn lại có sự khác biệt về thời tiết ở mỗi vùng, làm ảnh hưởng nhiều đến cảm nhận về hương thơm. Hương gỗ thích hợp với Bắc Kinh khô hanh, còn người Thượng Hải lại ưa chuộng hương hoa hay trái cây. Những khu vực nóng ẩm có xu hướng chọn hương thơm tươi mát nhưng phải thật mạnh để không bị khỏa lấp bởi mùi thức ăn và hoa. Nhưng mọi quy luật sẽ bị phá vỡ khi bạn đến xứ Phù Tang. Người Nhật không thích những hương thơm nồng nàn, thay vào đó họ ưa chuộng những gì nhẹ nhàng và tinh tế. L’Eau d’lssey của Issey Miyake là một ví dụ. Nước hoa tại đây không có hương thơm chủ đạo, mùi gần giống như các loại mỹ phẩm. Có một chút xạ hương, hoa trắng và hương phấn, ngọt ngào nhưng không quá đậm mùi như các sản phẩm từ Mỹ. Kiểu triết lý “ít mà nhiều” này thường thấy trong thói quen sinh hoạt của người Nhật. Họ sử dụng kem dưỡng da, xà phòng, dầu gội với hương thơm nhẹ, thay vì dùng thêm nước hoa. Ngày nay, giới trẻ Nhật Bản còn có xu hướng dùng các loại hương nhang, điều trước đây bị cấm kỵ vì đi đôi với hình ảnh của các Geisha. Người Mỹ lại thích những hương thơm kiểu ăn uống như hương vani hoặc hương dâu tây. Mặc dù đặc trưng cho người Mỹ là nốt hương tươi mát và sạch sẽ (như CK One đã từng rất thành công kể từ khi ra đời vào năm 1994), hương hoa cũng phổ biến không kém, có thể kể đến Ralph Lauren Romance hay Lancôme Trésor. Có lẽ một phần nào do ảnh hưởng bởi văn hóa của người Anh vốn thích những hương thơm đồng nội như hoa hồng, lily. Ngày nay người Mỹ cũng đang dần thay đổi khi cộng đồng người gốc Tây Ban Nha gia tăng và sự du nhập của những nhãn hiệu đến từ châu Âu, một loạt những xu hướng mới được định hình. “Hương gỗ đang rất thịnh hành,” theo lời bà Mary Ellen Lapsansky, phó Chủ tịch Hiệp hội nước hoa Mỹ. Năm ngoái, nhãn hiệu nước hoa bán chạy nhất ở Mỹ là Chanel Coco Madamoiselle, với hương thơm gợi chút patchouli, vetiver và musk.
Thông tin thú vị về chuyện mùi hương trên thế giới ảnh 3
Một điều đặc biệt là người Mỹ dù dẫn đầu trào lưu nước hoa trên thế giới với hàng loạt dòng sản phảm mới, nhưng họ vẫn giữ được một bản sắc riêng trong thói quen sử dụng nước hoa mà có lẽ rất hiếm gặp ở một nơi nào khác: đó là cách xịt nước hoa lên không khí và đi qua để hương thơm tỏa đều khắp người. Phương pháp này được phát minh bởi Esteé Lauder, một người chính gốc New York./.
(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục