Trong đại dịch COVID-19, có những bệnh nhân đã phải trải qua cảm giác không thể ngửi hay nếm được trong suốt thời gian mắc bệnh, và cả giai đoạn sau đó.
Hóa ra, đây không phải hiện tượng hiếm gặp.
Một nghiên cứu được vừa được các nhà khoa học ở Viện Tai & Mắt Massachusetts, Mỹ, thực hiện gần đây cho thấy khoảng 1/4 dân số Mỹ từng nhiễm COVID-19 đã rơi vào tình trạng mất một phần hoặc hoàn toàn toàn khả năng nếm và ngửi, dù khỏi bệnh từ rất lâu.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí y học The Laryngoscope.
Neil Bhattacharyya, Giáo sư khoa Tai mũi họng tại Viện Tai & Mắt Massachusetts cho biết nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Khảo sát Phỏng vấn Sức khỏe Quốc gia (NHIS) năm 2021.
NHIS là một đơn vị của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
[Nghiên cứu của Mỹ xác định các triệu chứng chính của COVID kéo dài]
Dữ liệu của NHIS bao gồm các thông tin khảo sát thu được từ gần 30.000 người lớn. Trong dữ liệu của NHIS, bệnh nhân mắc COVID-19 đã được hỏi về sự nghiêm trọng của các triệu chứng sau khi họ nhiễm bệnh.
Họ cũng được hỏi rằng có bị mất vị giác hay khứu giác không, và quá trình hồi phục lại các giác quan đó diễn ra như thế nào.
Nhóm nghiên cứu báo cáo rằng khoảng 60% số người được khảo sát nói rằng họ bị mất khứu giác và 58% bị mất vị giác. Thêm vào đó, không phải tất cả bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn các giác quan này sau khi họ khỏi bệnh COVID-19.
Các nhà khoa học phát hiện rằng khoảng 72% số bệnh nhân hồi phục hoàn toàn khứu giác, nhưng có 24% số bệnh nhân chỉ hồi phục một phần và hơn 3% là mất hẳn khứu giác.
Tương tự, với những người bị mất vị giác do COVID-19, khoảng 76% đã hồi phục hoàn toàn, trong khi 20% chỉ hồi phục một phần và hơn 2% mất hẳn vị giác. Tỷ lệ này cho thấy có thể tới 28 triệu người Mỹ đã đối mặt với khả năng bị suy giảm khứu giác sau khi nhiễm COVID-19.
Theo Bhattacharyya, một trong những động lực của dự án nghiên cứu là trường hợp của một bệnh nhân COVID-19 mà ông biết. Người này đã tụt mất 25kg trọng lượng cơ thể vì mất khứu giác do COVID-19.
“Bệnh nhân không ăn được, trở nên ốm yếu và cực kỳ suy sụp vì mất khứu giác. Với việc mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ngày càng tăng lên, số phần trăm bệnh nhân mất khứu giác và vị giác cũng tăng theo. Thêm nữa, khả năng phục hồi khứu giác và vị giác cũng giảm đi, khi các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 xuất hiện nhiều thêm,” ông nói.
Các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng vì khả năng ngửi và nếm của con người thường vận hành cùng nhau, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong việc nhận ra và thông báo rằng giác quan nào đang phục hồi, hoặc chưa thể phục hồi. Nhưng có một thực tế là một lượng lớn bệnh nhân vẫn mất vị giác và khứu giác ở giai đoạn hậu COVID-19.
Mặc dù chưa có cách điều trị chuẩn cho các bệnh nhân mất vị giác và khứu giác, các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện trên có thể giúp cơ quan y tế đưa ra tư vấn hợp lý cho bệnh nhân, cũng như hỗ trợ theo dõi quá trình hồi phục của họ.
“Giá trị của dự án này chính là việc chúng tôi đã giúp một nhóm người từng bị quên lãng được chú ý nhiều hơn,” Bhattacharyya nói.
“Mất đi vị giác và khứu giác không dễ chịu như bạn nghĩ. Điều này có thể dẫn tới tình trạng suy giảm niềm vui khi ăn uống. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, việc mất đi hai cảm giác này có thể dẫn tới trầm cảm và sụt cân” - Giáo sư Bhattacharyya phân tích.
Đại dịch COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm, với tác nhân là virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó. Dịch khởi nguồn vào cuối tháng 12/2019 với tâm dịch đầu tiên tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc đại lục, bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân. Sau đó dịch đã nhanh chóng lan ra quy mô toàn cầu.
Tính tới tháng 3 năm nay, thế giới đã ghi nhận hơn 681 triệu người mắc COVID-19 và đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 6,8 triệu người.
Thế giới đã chật vật vượt qua giai đoạn thiếu vaccine ngừa COVID-19 và phải học cách chung sống bình thường với dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan y tế của nhiều quốc gia đều hy vọng có thể sớm chính thức tuyên bố đại dịch COVID-19 kết thúc trong năm 2023./.