Thông tin điều tra về vụ máy bay MH370 mất tích bị đánh cắp

Máy tính của các quan chức cấp cao trong các cơ quan có liên quan đến việc điều tra chiếc máy bay mất tích MH370 đã bị xâm nhập và thông tin phân loại đã bị đánh cắp.
Thông tin điều tra về vụ máy bay MH370 mất tích bị đánh cắp ảnh 1Dữ liệu vệ tinh được sử dụng để xác định chiếc máy bay MH370 được công bố. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ The Star số ra ngày 20/8 đưa tin, máy tính của các quan chức cấp cao trong các cơ quan có liên quan đến việc điều tra chiếc máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị xâm nhập và thông tin phân loại đã bị đánh cắp.

Các thông tin bị đánh cắp được cho là đã được gửi đến một máy tính ở Trung Quốc trước khi trung tâm an ninh mạng CyberSecurity Malaysia thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới chặn đường truyền và đóng các máy tính bị nhiễm.

Cơ quan chuyên an ninh mạng quốc gia này tiết lộ rằng phần mềm tinh vi hiểm độc này - được cải trang thành một bài báo thông tin rằng máy bay mất tích Boeing 777 đã được tìm thấy - được gửi qua e-mail đến các quan chức vào ngày 9/3/2014, một ngày sau khi máy bay của Malaysia Airlines biến mất trong hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.

Gửi kèm theo e-mail là một tập tin đính kèm có thể chạy trên máy tính trông giống như tài liệu PDF mà sẽ tung ra phần mềm nguy hiểm khi người sử dụng nhấn chuột vào đó.

Một nguồn tin cho biết các quan chức trong Cục Hàng không dân dụng, Hội đồng An ninh Quốc gia và hãng Malaysia Airlines là một trong số những mục tiêu của tin tặc.

Giám đốc trung tâm CyberSecurity Malaysia, Tiến sỹ Amirudin Abdul Wahab, nói rằng trung tâm đã nhận được báo cáo từ các nhà quản lý mạng của các cơ quan liên quan rằng mạng internet của họ đã bị tắc nghẽn bởi các thư điện tử đi ra khỏi máy chủ của họ.

"Những e-mail này chứa dữ liệu bí mật từ máy tính của các quan chức, trong đó có biên bản các cuộc họp và các tài liệu mật. Một số có liên quan đến việc điều tra MH370", ông cho biết.

Theo trung tâm CyberSecurity Malaysia, khoảng 30 máy tính đã bị nhiễm phần mềm độc hại. Cơ quan này đã phát hiện ra phần mềm độc hại đã gửi thông tin tới một địa chỉ giao thức internet (IP) ở Trung Quốc.

Ông Amirudin cho biết, đây là phần mềm lừa đảo rất xảo quyệt mà các chương trình chống virus không thể phát hiện. ''Đó là cuộc tấn công rất tinh vi."

Hiện cơ quan an ninh mạng quốc gia này và cảnh sát đang làm việc với Interpol về vụ việc. CyberSecurity Malaysia nghi ngờ động cơ của vụ tấn công tin tặc là nhằm vào công tác điều tra MH370./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục