Thông tấn xã Việt Nam và Prensa Latina: Tuy xa mà thật gần

Bằng việc gìn giữ và phát triển tình hữu nghị truyền thống cùng quan hệ hợp tác hiệu quả, TTXVN và Prensa Latina đã góp phần vun đắp tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Cuba.
Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi và Chủ tịch Thông tấn xã Mỹ Latinh Prensa Latina của Cuba Luis Enrique Gonzalez Acosta. (Ảnh: Văn Điệp /TTXVN)

Trong bất kỳ mối quan hệ bạn bè nào, những khoảng cách lớn về địa lý và văn hóa, ngôn ngữ luôn là những rào cản không dễ vượt qua, và với những người làm nghề báo, thường gắn liền với ngôn ngữ và địa bàn, thì những rào cản đó dường như còn lớn hơn.

Thế nhưng cuộc sống luôn có những ngoại lệ, và quan hệ hữu nghị, đồng chí, anh em giữa Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và hãng thông tấn Cuba Prensa Latina (PL) chính là một ngoại lệ đẹp như vậy.

Trong lời chúc mừng TTXVN nhân 75 năm thành lập, Chủ tịch PL Luis Enrique González Acosta đã tổng kết: “Hợp tác giữa TTXVN và PL là thành quả và cũng là hình mẫu trong quan hệ hữu nghị anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Cuba, một mối quan hệ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Fidel Castro ươm mầm và vun xới. Trải qua nhiều thập niên, nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên hai hãng đã luôn trao đổi, sẻ chia những kinh nghiệm nghiệp vụ và luôn sát cánh bên nhau trong những thời điểm khó khăn nhất.”

Chủ tịch González Acosta cũng tri ân sự quan tâm thường xuyên và những hỗ trợ thiết thực của TTXVN, khẳng định PL luôn coi câu nói bất hủ của lãnh tụ Fidel rằng “vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” là tôn chỉ hành động và sẵn sàng hợp tác với TTXVN trong bất kỳ lĩnh vực nào.

TTXVN và PL ký hiệp định hợp tác đầu tiên ngày 29/10/1982. Tuy nhiên, mối quan hệ thực sự giữa hai hãng thông tấn cách mạng đã bắt đầu từ khoảng một thập niên trước đó khi TTXVN mở phân xã đầu tiên tại khu vực Mỹ Latinh và được PL hỗ trợ về mặt chuyên môn.

[Ấn phẩm tiếng Pháp của TTXVN : Những trang báo thành cầu nối trái tim]

Sau đó, PL cũng tiếp nhận một số biên tập viên tiếng Tây Ban Nha của TTXVN sang thực tập, và tới nay một số cán bộ lâu năm trong hãng bạn vẫn nhớ giai thoại rằng các cán bộ thực tập của TTXVN là những nhà báo ngoài hãng duy nhất từng “ăn ngủ” tại trụ sở PL theo đúng nghĩa đen (PL đã sắp xếp cho hai cán bộ thực tập của TTXVN ở trong trụ sở chính của hãng trong một năm trước khi thu xếp được căn hộ bên ngoài).

Từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam cho tới ngày nay, PL - hãng thông tấn không quá lớn về quy mô nhưng thực sự có uy tín và sức lan tỏa tại Mỹ Latinh - chính là cơ quan truyền thông tại khu vực này đăng tải đều đặn và chính xác nhất tình hình thời sự và từng bước tiến của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.

Đổi lại, TTXVN cũng là cơ quan báo chí Việt Nam cập nhật thường xuyên nhất tình hình Cuba và Mỹ Latinh, đồng thời đã đồng hành cùng PL trong thời điểm khó khăn nhất vào đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, khi Cuba trải qua “thời kỳ đặc biệt” còn PL cũng chuyển đổi về căn bản cơ chế vận hành.

Tới nay, hợp tác giữa hai bên đã trải rộng từ trao đổi thông tin các loại hình, trao đổi đoàn, cho tới hợp tác trong biên tập, hiệu đính, in ấn, xuất bản, hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật tác nghiệp và truyền phát thông tin, và công tác đào tạo cán bộ.

Thế nhưng, vượt lên trên những con số hay quy mô hợp tác, sự gần gũi giữa hai hãng thể hiện qua sự tin cậy sâu sắc và tình cảm chân thành, gắn bó mà từng cán bộ mỗi bên cảm nhận được mỗi khi có dịp tiếp xúc và trải nghiệm với hãng bạn.

Bất kỳ phóng viên TTXVN nào bước chân vào trụ sở PL cũng cảm nhận được những ánh mắt, nụ cười trìu mến, thân thiện và gần gũi của mọi người, hay những câu chuyện hồ hởi của những phóng viên, biên tập viên từng có thời gian công tác hay gắn bó với Việt Nam.

Có thể kể ra đây tâm sự của hai phóng viên PL thuộc hai thế hệ khác nhau về thời gian làm việc tại Việt Nam và tình cảm với TTXVN.

Một người từng là phóng viên thường trú trẻ nhất của PL tại Việt Nam khi chưa đầy 30 tuổi và hiện đang thường trú tại El Salvador, và người kia là một trong những nhà báo dày dạn nhất của PL, hiện đang là phóng viên thường trú tại Belgrade (Serbia).

Phóng viên Charly Morales Valido cho rằng mối quan hệ giữa TTXVN và PL “vượt lên trên rất nhiều tính chất công việc, là mối quan hệ anh em, với sự gần gũi và đồng cảm khi cùng chia sẻ một cách nhìn, một hướng đi.”

Nhớ lại thời kỳ làm phóng viên thường trú của PL tại Việt Nam từ năm 2010-2012, ông nói: “tôi không chỉ say đắm một đất nước luôn được người Cuba yêu mến, mà còn được gặp lại những bạn cũ từ thời sinh viên đại học cũng như quen biết thêm nhiều người bạn bè mới với tấm lòng rộng mở tại TTXVN. Cả những người bạn cũ lẫn những người mới quen tại TTXVN đã giúp cho nhiệm kỳ của tôi tại Việt Nam không chỉ thành công, mà còn đầy ắp cảm xúc và kỷ niệm, để rồi một thập niên sau, tôi vẫn lưu giữ tình cảm với đất nước và dân tộc vĩ đại đó, mà trên hết là với TTXVN.”

Như được khơi lại dòng cảm xúc, phóng viên Charly Morales Valido chân thành bày tỏ: “Những người bạn tại TTXVN đã giúp tôi khám phá một thế giới hoàn toàn mới mẻ, một thế giới của những truyền thống nghìn năm và những triết lý sống mà sau này chính tôi theo đuổi, của những hương vị đặc sắc cả trên bàn ăn ấm áp của gia đình cho tới những quán ăn dân dã trên hè phố, của những lý tưởng chung mà chúng ta cùng bảo vệ trong công tác báo chí, của những mẩu chuyện hài trẻ trung thời sinh viên hay những cuộc tranh luận chuyên môn. Tôi sẽ luôn trân trọng trong ký ức của mình chuyến đi về Thái Bình trong cái Tết đầu tiên tại Việt Nam, hay những buổi trò chuyện bất tận với các đồng nghiệp từng học tập tại Cuba, mà trong đó chúng tôi đi từ những kỷ niệm cho tới những câu cười đùa rồi chuyển sang công việc, tất cả một sự tự nhiên, thoải mái và thân thiện giữa những người anh em đúng nghĩa.”

Trong khi đó, phóng viên kỳ cựu Roberto Molina tâm sự: “Tôi biết tới TTXVN từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, qua những tin tức của các phóng viên chiến trường và trên hết là những tấm hình tuyệt diệu của các phóng viên ảnh TTXVN.... Sau đó, tôi đã có dịp “chạm tay” vào TTXVN mỗi ngày khi các biên tập viên trẻ tiếng Tây Ban Nha của TTXVN bắt đầu thực tập tại PL."

Năm 2012, khi ở độ tuổi 70, ông Roberto Molina được cử sang làm chuyên gia hiệu đính bản tin tiếng Tây Ban Nha của TTXVN, và “mong ước được thăm và làm việc tại Việt Nam của tôi đã trở thành hiện thực.”

Tới giờ, ông vẫn nhớ những ngày tháng ấy, khi “những đồng nghiệp trẻ phủ đầy bàn làm việc của tôi những mẩu tin với đủ các đề tài thời sự, những bài ghi chép nóng hổi, những mẩu chuyện lịch sử hấp dẫn hay những mô tả đặc sắc về nghệ thuật ẩm thực Việt Nam được chuyển ngữ sang tiếng Tây Ban Nha. Tôi không thể nào quên và cũng không thể mô tả với những từ ngữ chính xác cách đối xử thân thiện, đơn giản là đầy tình người, của những nam nữ đồng nghiệp trẻ tuổi đó, những người đầy nhiệt huyết học hỏi ngôn ngữ và cũng sẵn sàng truyền tải tâm hồn Việt Nam.”

Nhớ lại kỷ niệm trong thời gian công tác tại Việt Nam, từ những chuyến đi tập thể hay một bữa cơm ấm cúng tại một gia đình đồng nghiệp, phóng viên Roberto Molina nhắc về hai khoảnh khắc mà ông nói rằng “rất đặc biệt và có ý nghĩa lớn đối với tôi, cho thấy tính nhân văn Việt Nam luôn cuộn chảy trong tập thể TTXVN.”

Đó là khi phóng viên Roberto Molina đề xuất việc vợ ông (một nhà báo quốc tế người Brazil) sang Việt Nam thăm ông theo mô hình tự túc và được chia sẻ căn hộ khiêm tốn mà TTXVN cấp cho vị chuyên gia - điều chưa có tiền lệ vì không bao gồm trong hợp đồng lao động. Ông Roberto Molina xúc động hồi tưởng “không những nguyện vọng của tôi được chấp thuận dễ dàng mà TTXVN còn thay cho tôi một chiếc giường đôi, vô tuyến mới và thậm chí cho phép vợ tôi được cùng ăn tại nhà ăn tập thể TTXVN vì 'một đôi vợ chồng không nên ăn riêng.”

Và khoảnh khắc thứ hai là khi mẹ ông ở Cuba qua đời, còn ông do khoảng cách địa lý giữa Cuba và Việt Nam, tiếp tục ở lại làm việc: “Tôi liên tiếp nhận những lời chia buồn, những cái ôm thân thiết. Và đặc biệt là một sự im lặng đầy xúc động trong cả Ban (Ban Biên tập tin Đối ngoại) như thể mọi người cùng chia sẻ sự mất mát của tôi và thể hiện sự kính trọng với một người mà họ không hề quen biết, nhưng chỉ cần là 'mẹ của ông chuyên gia Cuba' là đủ.”

Bằng việc gìn giữ và phát triển tình hữu nghị truyền thống cùng quan hệ hợp tác hiệu quả, TTXVN và PL không chỉ là những nhân chứng mà còn trực tiếp góp phần vun đắp tình đoàn kết “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” giữa hai dân tộc Việt Nam và Cuba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục