Thông tấn xã Việt Nam tri ân các đối tượng chính sách tại Tây Ninh

Những hoạt động tri ân của Thông tấn xã Việt Nam đối với gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng đã thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.
Đoàn Thanh niên Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam dâng hương tại mộ liệt sỹ thuộc Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi 82 (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Nhân 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), hướng tới kỷ niệm 77 năm thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945-15/9/2022) và 62 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2022), ngày 26/7, đoàn công tác của Chi hội Cựu chiến binh Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam và Chi hội Cựu chiến binh Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ITAXA phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của hai đơn vị tổ chức lễ dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82 (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam làm trưởng đoàn.

Đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam và các thành viên trong đoàn công tác đã thành kính dâng hoa, dành một phút mặc niệm trang nghiêm trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ, đến từng phần mộ thắp những nén hương thơm tri ân, tưởng nhớ công ơn của những người con đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hy sinh cho đất nước nở hoa - cho dân tộc trường tồn.

Nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82 Tân Biên là nơi an nghỉ của gần 14.000 liệt sỹ. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh luôn tri ân những cống hiến to lớn và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước.

Nguyên lãnh đạo Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam thắp hương tại Bia Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Ông Trần Tràng Dương, ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam, Phó Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam nhấn mạnh: Máu đào của các thương binh, liệt sỹ đã tô thắm thêm cho lá cờ cách mạng.

Thông tấn xã Việt Nam là đơn vị có số lượng liệt sỹ lớn nhất trong hệ thống cơ quan báo chí cả nước qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Thông tấn xã Giải phóng đã có một thế hệ sống, làm việc, chiến đấu tại căn cứ Chàng Riệc, huyện Tân Biên. Hàng trăm liệt sỹ của Thông tấn xã Giải phóng đã hy sinh, nằm lại trên quê hương Tây Ninh và các tỉnh Nam Bộ.

[Ngày Thương binh-Liệt sỹ: Hành trình gần 40 năm khắc khoải tìm cha]

“Trong đoàn về nguồn của cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam có các cán bộ lão thành của Thông tấn xã Giải phóng về lại chốn xưa ôn lại truyền thống của Thông tấn xã Giải phóng anh hùng, mang theo sự trân trọng về con người, vùng đất đã bao bọc, chở che, tưởng nhớ đến đồng đội, đồng chí, những cán bộ phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải Phóng đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình trên mảnh đất này,” ông Trần Tràng Dương chia sẻ.

Tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Chi hội Cựu chiến binh Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam, Chi hội Cựu chiến binh Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ITAXA, Đoàn Thanh niên của hai đơn vị và Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang đã tặng quà cho 10 gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công trên địa bàn huyện Tân Biên.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Thông tấn xã Việt Nam có hơn 260 cán bộ, phóng viên đã anh dũng hy sinh; 30 người bị thương, nhiều người bị nhiễm chất độc da cam... Những hoạt động tri ân của Thông tấn xã Việt Nam đối với gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng đã thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.

Thông tấn xã Giải phóng là một bộ phận của Trung ương cục miền Nam, cơ quan tiền phương của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) tại chiến trường miền Nam.

Với vai trò là cơ quan phát ngôn chính thức, chính thống của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh rất phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam.

Chính thức ra đời ngày 12/10/1960 tại khu rừng Chàng Riệc (huyện Tân Biên), suốt 15 năm hoạt động dưới bom đạn kẻ thù (1960-1975) từ khu V trở vào, Thông tấn xã Giải phóng luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam.

Thông tấn xã Giải phóng có 240 (trong tổng số 260 liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam) phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên... hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu, tương đương hơn 50% tổng biên chế phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên... của Thông tấn xã Giải phóng vào thời điểm cuối năm 1974.

Phút mặc niệm để tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ tại Bia Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Ôn lại truyền thống tại bia kỷ niệm Thông tấn xã Giải phóng, ông Trần Tràng Dương nhấn mạnh: Đây là dịp để ôn lại ý nghĩa lịch sử và truyền thống vẻ vang của Ngày Thương binh - Liệt sỹ để “tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh” như lời dạy của Bác Hồ và cũng là dịp để mỗi lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam thể hiện trách nhiệm trước những hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, thương binh - những người đã ngã xuống hoặc mất một phần máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đây cũng là hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, ý nghĩa của ngày Thương binh-Liệt sỹ, cùng các hoạt động tri ân, tưởng nhớ công ơn của những Anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng của Đất nước và của Thông tấn xã Việt Nam đã cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đối với hội viên, đoàn viên.

Ông Đoàn Văn Thiều (chú Tư Thiều), Nguyên Phó Chánh văn phòng Thông tấn xã Giải phóng nhớ như in ngày thành lập cơ quan tại khu rừng Chàng Riệc này. Chú Tư Thiều chia sẻ, ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng chỉ vẻn vẹn có 6 người đảm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ thông tin.

“Những năm gian khổ ác liệt đó, chúng tôi phải tự học điện báo từ đàn anh, nhưng với lòng quyết tâm nên đã hoàn thành được tốt nhiệm vụ, đã trưởng thành và trở thành những điện báo viên xuất sắc, góp phần giúp cho làn sóng điện tin luôn thông suốt, không bao giờ tắt. Thời đó, với tấm lòng yêu nước vô bờ bến, chúng tôi không ngại hy sinh, gian khó,” chú Tư Thiều nhấn mạnh.

Tại Đồn Biên phòng Tân Phú (huyện Tân Biên), lãnh đạo Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam và lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ITAXA đã trao 3 phần quà cho đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, Đồn Biên phòng Tân Phú và Đồn Biên phòng quốc tế Tân Nam.

Hằng năm, Ban lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam đều cử cán bộ chăm lo, giúp đỡ kịp thời khi gia đình thân nhân liệt sỹ có khó khăn hay đau ốm. Vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7, cơ quan đều cử đoàn đến thăm, tặng quà thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ; tổ chức dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, trong đó có các liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam./.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi 82 (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục