Hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018), Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tri ân các anh hùng, liệt sỹ, các nhà báo-liệt sỹ của ngành đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của đất nước, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại khu vực Hà Nội, cơ quan tổ chức 14 đoàn đi viếng nghĩa trang liệt sỹ và thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương, bệnh binh.
Thông tấn xã Việt Nam tặng quà con liệt sỹ và các đồng chí thương binh đang công tác với mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng; tặng quà Ủy ban Nhân dân thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - nơi Nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến, nguyên Phó Giám đốc Nha thông tin Việt Nam đã hy sinh.
Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam đi thăm hỏi, tặng quà 27 gia đình liệt sỹ. Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tổ chức 17 đoàn đi thăm các gia đình chính sách.
Các cơ quan thường trú ở các địa phương tổ chức đến viếng nghĩa trang liệt sỹ, thăm gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương, bệnh binh trên địa bàn.
Nhiều đơn vị trong cơ quan cũng đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh nhân dịp 71 năm ngày Thương binh- Liệt sỹ.
[Cựu chiến binh TTXVN tri ân các anh hùng, liệt sỹ nhân ngày 27/7]
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức cho các Chi đoàn đi thăm các gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh của ngành.
Nhân dịp này, công tác tu bổ bia tưởng niệm các liệt sỹ của ngành tại Nhà tưởng niệm các nhà báo-liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam đã được thực hiện để đón các đoàn nguyên cán bộ cơ quan, các gia đình liệt sỹ đến thắp hương tưởng niệm.
Ngay từ khi mới ra đời, Thông tấn xã Việt Nam đã gắn bó, trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, không một chiến trường, không một địa bàn chiến đấu nào, không một mũi tiến quân nào vắng mặt phóng viên tin, ảnh, nhân viên kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Từ ngôi nhà số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội đã chứng kiến các đoàn cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam ra đi các nẻo đường chiến trường, trong đó có nhiều đồng chí mãi mãi không bao giờ trở lại, một số đồng chí đã để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường cho những dòng tin chảy mãi.
Hơn 260 nhà báo-liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam đã ngã xuống, hàng chục thương binh đã để lại một phần thân thể mình nơi chiến trường trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước và xây dựng Tổ quốc.
Những tấm gương hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, những mất mát của các thương binh của Thông tấn xã Việt Nam mãi mãi là niềm tự hào của cơ quan, thể hiện sự đóng góp của Thông tấn xã Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn vô hạn công lao to lớn đối với các liệt sỹ đã hy sinh, thương, bệnh binh cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc, cho sự nghiệp Thông tấn, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm lo đời sống gia đình liệt sỹ, thương binh của ngành.
Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” luôn nhận được sự hưởng ứng của tất cả cán bộ, công nhân viên cơ quan.
Những việc làm cụ thể, thiết thực như xác định các liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam hy sinh trong chiến tranh; cất bốc, quy tập mộ liệt sỹ; xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; tạo công ăn việc làm cho thân nhân liệt sỹ; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng quà cho các thương, bệnh binh… luôn được quan tâm, trở thành việc làm thường xuyên của các đơn vị, của cán bộ, phóng viên, nhân viên Thông tấn xã Việt Nam.
Khi biết gia đình thân nhân liệt sỹ có khó khăn, đau ốm, Ban lãnh đạo cơ quan Thông tấn xã Việt Nam đều cử cán bộ đến chăm lo, giúp đỡ kịp thời. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, cơ quan đều cử đoàn đến thăm, tặng quà các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ; tổ chức dâng hương, tưởng niệm các liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam nói riêng và của cả nước nói riêng tại các nghĩa trang liệt sỹ.
Với tình cảm “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống của ngành, cán bộ, phóng viên, công nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam luôn ghi nhớ công ơn của các liệt sỹ, các thương, bệnh binh đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp Thông tấn.
Thế hệ trẻ Thông tấn xã Việt Nam hôm nay đã, đang và sẽ phấn đấu hết sức mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha anh, góp phần xây dựng Thông tấn xã Việt Nam thành Trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng, Nhà nước, xứng đáng với danh hiệu đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới)./.