Thông tấn xã Giải phóng: Khi lịch sử yêu cầu, tất cả đều sẵn sàng

Thời gian đầu thành lập, Thông tấn xã Giải phóng là một bộ phận của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Từ đó, bản tin của Thông tấn xã Giải phóng được phát ra Hà Nội đều đặn vào 18 giờ mỗi ngày.
Điện báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin. Ảnh: TTXVN

Thời gian đầu thành lập, Thông tấn xã Giải phóng là một bộ phận của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Từ đó, bản tin của Thông tấn xã Giải phóng được phát ra Hà Nội đều đặn vào 18 giờ mỗi ngày.

Từ chiến khu Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng ra đời, không ngừng lớn mạnh. Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã có mặt, kiên cường bám trụ ở hầu hết trận địa, điểm nóng trên chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến đấu và ghi lại những chiến công, trang sử hào hùng của dân tộc.

Những bản tin từ thiết bị cũ kỹ

Đầu năm 1960, cách mạng ở miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Cơ quan Xứ ủy Nam kỳ dời về căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh), xúc tiến việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Để phục vụ cho việc tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam, ngày 22/4/1960, Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ ra Chỉ thị số 18-TVA về việc tổ chức một bộ phận cán bộ chính trị và cán bộ kỹ thuật để thành lập một cơ quan thông tin chính thức ở miền Nam.

Xứ ủy đã giao nhà báo Đỗ Văn Ba (nguyên phụ trách chi nhánh Việt Nam Thông tấn xã Nam bộ trong thời kháng chiến chống Pháp) chịu tránh nhiệm triển khai, chuẩn bị nhân sự, phương tiện kỹ thuật… cho sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng.

Các tài liệu còn lưu giữ hiện nay của Thông tấn xã Việt Nam, trung tâm thông tin quốc gia tin cậy của Đảng và Nhà nước, nêu rõ nhiệm vụ của cơ quan thông tin chính thức ở miền Nam rất nặng nề.

Đây không chỉ cung cấp tin tức cho lãnh đạo Xứ ủy mà phải liên hệ với các địa phương, tổng hợp tình hình, biên soạn tin tức và phát ra Hà Nội để cung cấp kịp thời cho Trung ương Đảng, các cơ quan Nhà nước và toàn thể nhân dân miền Bắc về diễn biến thực tế cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam.

Trước yêu cầu mới, lực lượng cán bộ được tăng cường từ đất thép Củ Chi, Long An, Đồng Tháp…

Sau một thời gian khẩn trương tập hợp, bổ sung lực lượng, chuẩn bị máy móc, thiết bị, đúng 19 giờ ngày12/10/1960, với chiếc máy phát 15W và máy ragono cũ (do Trung ương chi viện từ năm 1954), từ chiến khu Dương Minh Châu, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng được phát đi. Bản tin này cũng là thông báo ra mắt của Thông tấn xã Giải phóng.

Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng điện tin từ mặt trận về căn cứ. Ảnh: TTXVN

Bản tin tiếng Việt có tiêu đề “Giải phóng xã,” phía dưới ghi dòng chữ “Cơ quan thông tấn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam,” thông báo với nhân dân trong nước và thế giới về phong trào Đồng khởi của đồng bào miền Nam, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù.

Trong thời gian đầu thành lập, Thông tấn xã Giải phóng là một bộ phận của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (từ năm 1961 là Trung ương Cục miền Nam).

[Lặng thầm sau những dòng tin: Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ]

Từ đó, bản tin của Thông tấn xã Giải phóng được phát ra Hà Nội đều đặn vào 18 giờ hàng ngày. Đây là nguồn thông tin không thể thiếu của nhiều cơ quan thông tin ở Việt Nam và ở nước ngoài (phần lớn thông qua Việt Nam Thông tấn xã) lúc bấy giờ, cũng như đối với những người quan tâm tình hình miền Nam trước ngày thống nhất đất nước.

Kiên cường bảo vệ căn cứ

Trong suốt chặng đường 15 năm hoạt động, hàng trăm phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, kỹ thuật viên… của Thông tấn xã Giải phóng vừa phải chiến đấu bảo vệ căn cứ vừa phải bảo đảm cung cấp thông tin chuẩn xác, liên tục cho Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chuyển tin ra miền Bắc.

Dù thời gian đã lùi xa hơn bốn thập kỷ, nhưng ký ức về những tháng ngày làm báo trong lửa đạn vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhà báo Vũ Tiến Cường, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Hồi ức về những ngày tham gia "bẻ gãy" chiến dịch Junction City như thước phim quay chậm mở ra trước mắt ông.

Nhà báo Vũ Tiến Cường kể, trong thời gian từ ngày 2/2-15/3/1967, quân Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa mở chiến dịch càn quét quy mô lớn ở miền Nam mang tên Junction City, nhắm vào các căn cứ của lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Chiến khu C.

Địch huy động khoảng 4,5 vạn quân với sự yểm trợ của nhiều xe tăng, “pháo đài bay” B52 cùng các loại máy bay khác và nhiều loại pháo, trang thiết bị tối tân, hiện đại khi đó nhằm các cơ quan đầu não của Trung ương Cục miền Nam. Đặc biệt, địch tập trung đánh vào căn cứ của Trung ương Cục miền Nam nằm ở hai bên Quốclộ 22, Bắc Tây Ninh.

“Trước diễn biến nhanh chóng của thực tế, nhà báo Võ Nhân Lý (Vũ Linh), Giám đốc cơ quan Thông tấn xã Giải phóng đã hạ lệnh di chuyển. Từ khu vực Cây Dầu Trời Đánh, vượt ‘Trảng Cố vấn,’ cơ quan Thông tấn xã Giải phóng đến bám trụ ven Trảng Tranh, canh Phum Cháy. Đây là địa điểm thứ năm mà cơ quan dời đến thiết lập căn cứ,” nhà báo Vũ Tiến Cường nhớ lại.

Trong tiếng ầm vang của bom, mìn vọng lại, tập thể phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Giải phóng khẩn trương dựng xây lán trại mới, thiết kế hầm hào, công sự. “Thủ trưởng đa năng. Đó là cách mà chúng tôi vẫn gọi người thủ lĩnh của mình. Ông vừa chỉ đạo tác nghiệp vừa trực tiếp chỉ huy chiến đấu, giữ vững căn cứ,” cựu phóng viên Thông tấn xã Giải phóng hồi tưởng.

Lặng đi chừng vài phút, ông chia sẻ: “Có lẽ đây là một trong những chiến dịch ác liệt nhất mà chúng tôi trải qua. Anh Ngọc Đặng, người sau này được truy tặng danh hiệu ‘Dũng sỹ xe cơ giới’ đã anh dũng hy sinh sau khi bắn cháy hai xe bọc thép của Mỹ.”

Ngoài ra, Thông tấn xã Giải phóng đã cử một tổ phóng viên cùng tổ điện báo đi theo các mũi tiến công của quân giải phóng. Trong suốt chiến dịch (kéo dài 13 ngày), tổ điện báo bị đánh bom hơn 10 lần. Hai cán bộ của Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.

Các phóng viên Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản và Hoàng Thiểm đang qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng, ngày 29/3/1975. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng đã phải di dời khoảng 9 lần. Trên 250 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… của Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã đã ngã xuống suốt từ Quảng Trị tới Cà Mau trong tư thế của người chiến sỹ.

Vượt qua những gian khổ, các phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng đã vững tay bút, tay súng để duy trì “mạch máu” thông tin giữa chiến trường khốc liệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục