Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Thông tấn xã giải phóng, VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết "Ba mươi lăm năm nhớ lại toàn ngành vào trận" của tác giả Đỗ Phượng, Cố Tổng giám đốc TTXVN.
Nội dung bài viết như sau:
"Ba mươi lăm năm qua, năm nào ta cũng có dịp đọc bài viết, nghe lời kể, cùng những cuộc gặp mặt mừng ngày toàn thắng. Lẽ thông thường ở mỗi cuộc gặp gỡ, ở mỗi bài viết và nói từ trên những cương vị, địa bàn khác nhau thường chỉ đề cập đến hoạt động và trách nhiệm có phần đơn lẻ.
Phải chăng trong lần thứ 35 năm này thử nhớ lại cục diện và hoạt động chung của toàn ngành Thông tấn trong mùa xuân 1975 lịch sử đó. Một nhánh, một việc đã khó, toàn cục, toàn ngành đâu có dễ dàng. Vả lại, tuổi cao, thời gian cũng đã dài, nhớ nhớ quên quên, cái còn nhớ cũng chỉ được dăm bảy phần, nhiều cái quên có khi lại quên chính việc quan trọng.
Nhiều người trong cuộc đã qua đời. Mạnh dạn ghi lại toàn cục, toàn ngành khó đạt tới sự chuẩn xác như mong muốn. Hy vọng có được nhiều nguồn tư liệu bổ sung để đến năm thứ 40 có được đầy đủ những tư liệu chuẩn, đúng với lịch sử đã diễn ra.
Nhớ lại một buổi chiều cuối tháng giêng năm 1975, tan cuộc họp, anh Lê Văn Lương giữ lại hỏi thăm sức khỏe anh Trần Thanh Xuân và khả năng công tác chuyên môn và kỹ thuật của Thông tấn xã giải phóng.
Anh cũng hỏi về tình hình Phân xã khu V và tổ chức Thông tấn xã ở B5 (mặt trận Trị-Thiên) và B3 (mặt trận Tây Nguyên).
Anh cũng hỏi khá kỹ về đội ngũ cán bộ và lực lượng kỹ thuật có thể cơ động của Tổng xã. Với tầm suy nghĩ chiến lược của một nhà lãnh đạo, anh dành thì giờ hỏi kỹ về kỹ thuật và đội ngũ cán bộ làm công việc hàng ngày thu lượm các nguồn thông tin nước ngoài và trình độ khả năng công tác của những phóng viên công tác ở ngoài nước.
Trước khi chia tay, anh nói vừa như nhắc nhở vừa như trao nhiệm vụ: Anh Ba (Lê Duẩn), Anh Năm (Trường Chinh) và Ban Bí thư trao trách nhiệm cho lãnh đạo Thông tấn xã, chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đáp ứng mọi biến động trong tình hình mới không được để xảy ra một sơ xuất nào dù nhỏ.
Vẫn như thường lệ anh nói nhỏ nhẹ, không hề cao giọng, nhưng người nghe như cảm nhận được nỗi bức xúc và sự lo lắng của đồng chí Thường trực Ban Bí thư về chức trách của một cơ quan thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước trước giai đoạn bước ngoặt của cách mạng.
Những ngày trước Tết âm lịch Ban lãnh đạo Thông tấn xã cùng nhau rà soát tình hình mọi mặt. Anh Năm Trần Thanh Xuân khỏe mạnh, đội ngũ tin, ảnh, kỹ thuật đều khá tốt, đường dây liên lạc điện báo tự động song song với điện báo Morse, kể cả truyền ảnh vô tuyến hoạt động tốt. Đường liên lạc Hà Nội-Tân Sơn Nhất bằng điện báo tự động làm việc đều đặn.
[Lặng thầm sau những dòng tin: Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ]
Liên lạc với khu 8, khu 9 và nhiều tỉnh Nam bộ khá tốt. Chỉ khu 6 có phần hơi yếu, nhiều khó khăn. Khu V và các tỉnh miền Trung hoạt động tốt, Tây Nguyên đã được tăng cường thêm phân xã quân sự. Trị-Thiên đảm bảo tốt.
Các Ban biên tập tin Thế giới và Đối ngoại đã được kiện toàn. Lực lượng biên tập, biên dịch làm tin tham khảo, kể cả lực lượng nghe đài (thu phonie) có thể yên tâm.
Một số phóng viên tin, ảnh, điện báo ở Tổng xã và các tỉnh miền Bắc có thể huy động nhanh khi cần động viên. Phóng viên ngoài nước đều có kinh nghiệm, nhạy bén với thời cuộc. Anh Đào Tùng kết luận: Thông tấn ta luôn sẵn sàng ra quân bất cứ lúc nào. Nhưng cuộc họp vẫn đi tới những kết luận chặt chẽ:
Chuẩn bị sẵn sàng một đoàn lãnh đạo Tổng xã cùng một số phóng viên giỏi vào B2 nắm tình hình cụ thể, có kế hoạch chi viện sát với thực tế, nếu tình hình chuyển biến nhanh thì trụ lại trực tiếp hỗ trợ tại chỗ.
Trước mắt, các anh Đào Tùng, Lê Chân chỉ đạo hàng ngày hai ban biên tập tin Thế giới và Đối ngoại đặc biệt coi trọng bộ phận thu tin nước ngoài và chỉ đạo phân xã ngoài nước.
Anh Hoàng Tư Trai rà soát tình hình T6, T7, chỉ đạo Cục Kỹ thuật vừa tổ chức sẵn sàng các tổ điện báo cơ động, vừa chuẩn bị khi cần thiết chuyển cơ sở kỹ thuật nặng vào chiến trường, đồng thời anh Hoàng Tư Trai lo thêm nguồn vốn và xin thêm xe sẵn sàng cho các tổ phóng viên cơ động.
Đỗ Phượng cùng Ban biên tập tin ảnh miền Bắc, Ban biên tập tin ảnh miền Nam, Phòng thông tấn quân sự, ban B và tổ chức cán bộ bố trí lại lực lượng phóng viên tin ảnh và điện báo cơ động, làm việc với Ban Thống nhất Trung ương chuẩn bị sẵn trang phục và vật dụng cần thiết cho các tổ cơ động, đồng thời giữ vững liên lạc với B2, B1, B3, B5, Tân Sơn Nhất và các tỉnh miền Trung, miền Nam.
Tuần đầu tháng Ba năm 1975, Văn phòng anh Ba (Lê Duẩn) thông báo miệng ý kiến chỉ đạo cấp trên. Thông tấn xã chuẩn bị làm việc giống như thời kỳ tháng 12 năm 1972 (chiến tranh chống B.52). Anh Trần Độ yêu cầu giao ban vào 7 giờ các buổi sáng ở Ban Thống nhất. Văn phòng anh Văn (Võ Nguyên Giáp) nhắc: bất cứ lúc nào trong ngày, có tin quan trọng phải báo cáo ngay.
Thực ra thời gian mở chiến dịch Tây Nguyên chỉ được truyền miệng vào tối mùng 9 tháng 3 và vẫn là tinh thần chỉ đạo giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.
Chiến dịch Buôn Ma Thuột phát triển thắng lợi nhanh vượt qua mọi dự kiến. Anh Đào Tùng lãnh đạo đoàn cán bộ đặc biệt lên đường ngay vừa nắm tình hình tại chỗ, vừa trực tiếp tăng cường cho Tổng xã Thông tấn xã giải phóng.
Được các anh Tố Hữu, Hoàng Tùng đồng ý, anh Đào Tùng lên đường mà không kịp báo cáo và xin quyết định của Ban Bí thư (điều này hạn chế vị trí và trách nhiệm đáng phải có của anh Đào Tùng tại chiến trường).
Thường vụ Trung ương Cục đề nghị xin Đỗ Phượng vào tăng cường cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và Thông tấn xã giải phóng. Lúc này anh Lê Văn Lương mới biết đoàn anh Đào Tùng đã lên đường. Anh Hoàng Tùng đề nghị Ban Bí thư được giữ Đỗ Phượng lại, cho đến khi anh Đào Tùng trở ra.
Mấy ngày sau, nhận tin từ anh Doãn Tuế, Tư lệnh pháo binh đã gặp đoàn anh Đào Tùng và giúp đoàn Thông tấn xã điều kiện vào nhanh B2, anh Đào Tùng cũng nhắc khẩn trương thực hiện các kế hoạch đã bàn.
Tình hình mặt trận phát triển dồn dập. Từ ngày 10 tháng 3 năm 1975 Phòng Thông tấn quân sự và Phòng Thư ký tập trung ăn nghỉ tại chỗ làm việc. Phòng làm việc của Đỗ Phượng luôn có mặt Lê Minh hoặc Trần Dũng cùng Xuân Ổn túc trực 24/24 giờ.
Ngoài việc giao ban 7 giờ sáng với anh Trần Độ ở Ban Thống nhất, từ sau 5 giờ chiều hàng ngày, Đỗ Phượng có mặt tại nhà riêng anh Ba (Lê Duẩn) vừa báo cáo thông tin, vừa chờ chỉ thị hoặc nghe ngóng động thái mới để kịp bố trí lực lượng.
Chị Sáu đã nhận từ Ban Thống nhất Trung ương về các trang phục, lương khô, thuốc men và cả một số máy ảnh đủ để trang bị cho các đoàn, tổ công tác cơ động. Anh Trai, anh Hóa cùng văn phòng đã lo đủ xe và các tổ máy điện báo cơ động.
Đoàn tăng cường cho khu V có cả kỹ thuật điện báo truyền chữ, truyền ảnh (teletype và telephoto) do anh Hường phụ trách đã lên đường. Liên tục các tổ cơ động có thể điều động đều được vào trận. Tổ đi sau nhất cũng là tổ cơ động cuối cùng có Trần Mai Hưởng, Lâm Hồng Long... cũng được tăng cường cho mặt trận Huế.
Với tư tưởng chỉ đạo mặt trận phát triển đến đâu thì tiến theo đến đó. Từ chiến trường B2, nửa cuối tháng 4 năm 1975, toàn Thông tấn xã giải phóng kể cả số phóng viên đi theo anh Đào Tùng, như Mai Hạnh, Văn Bảo lên đường theo các tuyến khác nhau tiến vào đích cuối cùng.
Anh chị Trần Thanh Xuân cũng rời căn cứ. Căn cứ Thông tấn xã giải phóng được trao lại cho anh Đào Tùng và một nhóm cán bộ kỹ thuật vừa lo bảo vệ căn cứ, vừa giữ liên lạc với Hà Nội và các hướng.
Lúc này anh Xuân Bích được tăng cường cho khu 6 đã có mặt ở Đà Lạt, các tỉnh Nam Trung bộ đã được tăng cường đủ phóng viên. Khoảng những ngày 15-16 tháng 3 cho đến đầu tháng Năm năm 1975, Ban biên tập tin ảnh miền Nam và Phòng Thông tấn quân sự phát tin dồn dập.
Từ cuối tháng Ba, không thể chờ in vào bản tin ngày mà phải in ngay tin chiến sự kịp gửi cho đài, báo và các cơ quan Trung ương. Có mặt trận, vừa phát tin xong, lại có tin bổ sung. Có mặt trận phát tới ba, bốn tin trong ngày.
Chưa bao giờ, biên tập càng làm tin, càng khỏe, càng vui. Căng tin nhộn nhịp chạy bánh, chạy phở phục vụ. Không đưa bánh, đưa phở cũng sang nghe ngóng tin tức. Lực lượng làm tin phương Tây cũng ngập đầu trong công việc cả ngày, đêm.
Không chỉ những người làm tin phổ biến, khối lượng tin, bài tham khảo nhận từ các hãng phương Tây lớn hơn, lại có nhiều chuyện giật gân như việc tướng tá ngụy tranh nhau phương tiện cả đường không, đường biển, đường bộ rút chạy ngay sau những tuyên bố “tử thủ.”
Ta đã khai thác được khá nhiều từ nguồn phương Tây làm phong phú thêm nguồn tin và ghi nhanh chiến sự ngắn gọn từ chiến trường gửi về. Càng phải cảm ơn nguồn ảnh truyền qua vô tuyến của các hãng phương Tây, ta nhận khá rõ phát cho các báo sử dụng, có ngày tới 5 hoặc 7 ảnh.
Nhiều ảnh đẹp còn được phóng to trưng bày trong bảng tin, ảnh trước trụ sở 5 Lý Thường Kiệt của Việt Nam Thông tấn xã. Sáng và chiều nào, Thông tấn xã cũng nhiều khách, kể cả cán bộ cao cấp các cơ quan trung ương ghé vào đọc tin và hỏi chuyện chiến trường.
Một ngày giữa tháng Tư, chị Yến là điện báo viên phụ trách theo dõi các đài từ chiến trường báo cáo với Đỗ Phượng: Các tổ cơ động của Tổng xã và các tổ công tác của B2 đều không lên sóng.
Các đài của Tổng xã đều thường trực lên hô hiệu nhưng không có phản hồi. Chị phản ánh với thái độ lo lắng. Nhưng nguồn tin không thiếu. Thông tin từ Tân Sơn Nhất, Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, tiếp đó là Quảng Đà, Phú Khánh, Lâm Đồng cùng nguồn tin phương Tây khá đầy đặn cho bản tin hàng ngày.
Các ngày 27, 28 tháng Tư, tình hình chính trị của chính quyền Sài Gòn biến động mạnh, hoạt động ngoại giao của một số sứ quán phương Tây tại Sài Gòn cũng nhộn nhịp. Đúng lúc đó, Tân Sơn Nhất điện ra: buộc phải ngừng lên máy làm việc. Các tổ cơ động của B2 kể cả bộ phận của anh Năm Xuân cùng các tổ cơ động của Tổng xã theo kỷ luật chiến trường đều không lên máy.
Như trên trời rơi xuống, chị Yến mang bản tin của tổ Mai Hưởng cùng các phóng viên ảnh, kể cả phóng viên thông tấn quân sự báo về đã gặp cựu Trưởng phòng thông tấn quân sự (Trần Bình, Phó Chính ủy Sư đoàn 304) sẽ chuyển hướng đi theo lực lượng này vào đích cuối cùng. Điện ngắn không quên nhờ nhắn tin cho gia đình cựu Trưởng phòng thông tấn quân sự.
Tràn ngập niềm vui, vội vàng lên chỗ anh Đống Ngạc (Văn phòng Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn). Không ai ở dưới nhà, ngồi chờ trên ghế gỗ cứng mà ngủ ngon lành hồi nào không biết. Có ai đó lấy báo đập nhẹ vào đầu, bừng mở mắt: anh Ba Lê Duẩn mặc quần sà lỏn tươi cười đứng trước mặt: Về, về ngủ đi cho khỏe, anh Tấn (Tướng Lê Trọng Tấn) đã hội được cánh quân phía đông, Dương Văn Minh hay ai cũng không còn làm gì được nữa.
Nhớ chuẩn bị pháo nổ to và dài. Có tin địch đầu hàng thì nổ pháo ngay. Ban Bí thư đã quyết định Thông tấn xã nổ pháo là báo tin toàn thắng cho nhân dân. Khác mọi khi anh thường nói dài, giải thích, dặn dò, lần này anh nói nhanh rồi đi vội lên lầu.
Đống Ngạc cho biết anh Văn và các anh vừa báo tin cho anh Ba về các cánh quân đều đã tập kết đầy đủ, áp sát mục tiêu, anh Lê Trọng Tấn đã nắm Quân đoàn II và các sư của khu V, hình thành cánh quân phía đông, hợp đồng binh chủng đủ mạnh sẽ tiến thẳng vào mục tiêu chính.
Bộ Chính trị quyết định không có tiếp xúc ngoại giao, buộc địch đầu hàng không điều kiện. Tình hình chắc sẽ chuyển biến từng giờ. Các ông phải nắm tin nhanh và cả phản ứng của phương Tây, nhất là Mỹ.
Nhân nhắc lại Đống Ngạc, Thông tấn xã đã đề nghị với anh Văn cho máy bay chuyển ảnh về Hà Nội cho kịp, như Tướng Zhucov đã cho máy bay chuyển ảnh từ Berlin về Moscow năm 1945 theo lệnh của Stalin.
Nhờ Văn phòng Bí thư Thứ nhất nhắc thêm. Đống Ngạc cho biết anh Văn đã đồng ý, nếu chưa bay được từ Sài Gòn thì có thể từ Đà Nẵng hay Huế đã có lệnh sẵn sàng chở phóng viên Thông tấn xã đem ảnh và tài liệu về Hà Nội.
Phóng xe về Tổng xã vừa ăn phở vừa triệu tập anh em văn phòng đang trực lên giao nhiệm vụ: chuẩn bị đủ pháo tốt, dùng dây thép nối dài từ tầng trên cùng của nhà số 5 chưa treo vội nhưng sẵn sàng có lệnh phải nổ pháo giòn giã và kéo dài.
Sáng 29/4, Trần Dũng cho biết cả 4 cánh quân đều có tổ phóng viên đi theo sẵn sàng lên sóng. Riêng cánh Tây Nam chưa liên lạc được, chắc sẽ sử dụng phân xã khu 8. Các phóng viên Thông tấn xã giải phóng theo các đồng chí lãnh đạo ở các hướng không được mang theo điện đài nên không thể chờ tin, bài của họ.
Lúc này, các báo và đài đều có người chờ sẵn ở Việt Nam Thông tấn xã để nhận tin, ảnh.
20 giờ 30 phút tối hôm đó, trời mưa to, điện thoại của Đống Ngạc gọi: Lên ngay, mang theo máy ảnh. Lên đến nơi, Đống Ngạc kêu trễ rồi, anh Văn (Võ Nguyên Giáp) vừa đi khỏi nhà anh Ba được mấy phút. Đống Ngạc rất tiếc đã không chụp được ảnh anh Ba và anh Văn ôm hôn nhau cười vui trong nước mắt.
Thực ra, từ khi Văn Bảo đi cùng anh Đào Tùng đã để lại bộ máy ảnh tốt, dễ sử dụng cho anh Đống Ngạc, nhưng trong giây phút lịch sử đó, đèn máy ảnh lại không phát sáng. Chắc không tại máy mà do sự xúc động của người chụp.
Ngồi lại uống trà, Đống Ngạc cho biết theo anh Văn tình hình Sài Gòn có thể kết thúc trong buổi sáng 30/4. Các ngày 1 và 2/5 có thể kết thúc ở Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo. Trường Sa và các đảo phụ cận đã thu gọn xong cả rồi.
Trưa 30/4, vừa nhận tin điện báo của tổ Mai Hưởng, vừa nghe đài Sài Gòn, làm tin ngay, song phải đưa lên cấp trên xem lại bởi đó có lẽ là bản tin quan trọng nhất trong lịch sử chiến tranh, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện trọn vẹn di huấn thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.”
Không đợi duyệt tin, tràng pháo dài từ tầng trên cùng nhà số 5 Lý Thường Kiệt nổ giòn giã trong khi cán bộ và nhân dân đã đứng đông nghịt tràn ngập cửa trường Đại học Tổng hợp, trên dọc đường Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, tràn cả lên vườn hoa. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò và cả những hàng nước mắt, các đoàn người nối tiếp nhau tràn ngập trước trụ sở Việt Nam Thông tấn xã ngay cả khi tiếng pháo đã ngừng hẳn.
Khỏi phải nói thêm về khí thế, niềm vui của nhân dân ta, cả bạn bè quốc tế ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Trở lại Sài Gòn, các tổ và phóng viên đi theo các cánh quân và lãnh đạo đã hội đủ ở Sài Gòn. Chị Năm Xuân (Mai Thị Trình), Nguyễn Đức Giáp, Hai Luận (Ngô Dương Luận) đã liên hệ được với chị Tư Hòa (nguyên Trưởng phòng Y tế Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội, về hoạt động hợp pháp ở Sài Gòn đã nhiều năm), cùng các cơ sở khác.
Ngoài việc tiếp quản trụ sở Việt tấn xã làm trụ sở Thông tấn xã giải phóng, để anh Năm Xuân có chỗ làm việc ngay, còn tiếp nhận thêm một số nhà làm việc, trong đó có 155 Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) để làm trụ sở cho đại diện Việt Nam Thông tấn xã tại miền Nam.
Anh Năm Xuân đã giao cho Sáu Nghĩa cử người đem ảnh chụp xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập của Văn Bảo về để phát ngay ra Hà Nội và đón anh Đào Tùng và bộ phận còn lại trong cứ ra Sài Gòn. Cơ sở kỹ thuật ở Tân Sơn Nhất được chuyển ra 155 Võ Thị Sáu nhưng chưa làm việc được ngay. Liên lạc từ Sài Gòn về Hà Nội vẫn phải dùng Morse. Cơ sở kỹ thuật của Việt tấn xã chỉ có vài máy thu teletype, không có máy phát.
Hoàng Thiểm ngay khi vào Dinh Độc Lập, đã tập hợp nhanh ảnh chụp Dinh Độc Lập, tình hình nhân dân Sài Gòn đón các đoàn quân giải phóng, lấy xe của Phó thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn mang phim, ảnh và tài liệu theo đường bộ, lên máy bay từ Huế ra Hà Nội.
Càng biểu dương và vô cùng biết ơn anh chị em B2 vì ngay đêm 30 tháng 4, đã nhận được ảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Vận dụng hết khả năng kỹ thuật ảnh lúc đó để có được tấm hình rõ nét cho các báo và phát qua đường vô tuyến thu ra nước ngoài.
Tấm ảnh lịch sử đó cho đến 10 năm sau, khi kỷ niệm 10 năm giải phóng Sài Gòn, Hãng Thông tấn Kyodo và nhiều báo ở Nhật Bản vẫn in lại, dù lúc đó có nhiều ảnh đẹp hơn, kể cả ảnh màu. Các bạn Nhật Bản giải thích “Đó là tấm ảnh vô giá dù có nhiều ảnh đẹp hơn nhưng lịch sử, chứng vật lịch sử cần được trân trọng mãi mãi.”
Trở lại với chiến công của Hoàng Thiểm. Khi Hoàng Thiểm ra Hà Nội đã tập trung in ngay hàng trăm kiểu ảnh màu và đen trắng. Đưa Hoàng Thiểm lên gặp anh Lê Duẩn và cả anh Tố Hữu. Anh Lê Duẩn thích thú và khen ngợi các tấm ảnh nhân dân nô nức đón chào quân giải phóng. Tiếp đó, Hoàng Thiểm được các anh Tổng cục Chính trị đưa đến gặp anh Văn.
Tập ảnh Hoàng Thiểm đem ra được tận dụng không chỉ cho báo mà còn được phát hành rộng rãi cho các cơ quan tuyên truyền, trưng bày trong các cuộc triển lãm cấp tốc.
Không nhớ rõ ngày giờ, nhưng chỉ nhớ Hoàng Thiểm vừa mang ảnh ra, thì các kỹ sư và kỹ thuật viên đã tìm đủ phụ tùng để sửa chữa, lắp đặt những máy teletype từ Tân Sơn Nhất đem ra 155 Võ Thị Sáu.
Máy móc đã làm việc tốt, nối liền đường điện báo tự động Hà Nội-Sài Gòn. Công việc đang bề bộn trong niềm vui thì các anh Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Tùng gọi lên cho biết Trung ương Cục điện báo yêu cầu Đỗ Phượng vào gấp. Các anh chỉ thị lên đường ngay, không cần chờ anh Đào Tùng ra.
Mãi mãi nhớ Lê Đình Phấn, anh đã về cõi Bác Hồ. Không biết từ lúc nào, anh đã chuẩn bị một xe commăngca, thay ghế ngồi bảo đảm đi đường dài, một xe nhiều chỗ ngồi được đặt tên là xe “chính sách” và một xe tải lớn mang theo các thiết bị kỹ thuật bổ sung cho B2.
Anh Phấn là Phó chánh văn phòng Thông tấn xã, lớn tuổi nhưng khỏe mạnh, lái xe giỏi. Anh chuẩn bị sẵn hai bản đồ: Bản đồ toàn miền Nam và bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh.
Hầu như những đồng chí phụ trách gắn bó với chiến trường miền Nam cùng đi chuyến này. Cả hai đồng chí lãnh đạo thông tấn quân sự Lê Minh và Trần Dũng, anh Đỗ Bích, cán bộ cách mạng lão thành, Trưởng phòng tổ chức, một con người tiêu biểu sống mẫu mực 21 năm “ngày Bắc, đêm Nam,” chị Trần Thị Tỳ gắn liền với tư liệu miền Nam, chị Sáu, người cả cuộc đời làm tổ chức chỉ lo cho cán bộ chiến trường miền Nam, chị Yến, người gắn bó với hô hiệu các đài mang tên LPA trên toàn miền Nam và đội quân thiếu nhi con anh chị Năm Xuân, con chị Sáu, chị Yến và cả cháu Mai con chị Tư Hòa.
Vẫn mặc trang phục quân giải phóng nhưng xe đi trong hòa bình. Đi nhanh từ Hà Nội đến cầu Hiền Lương, chỉ nghỉ lại dọc đường ban đêm. Nhưng đến Huế, anh chị em gặp nhau, những phóng viên, điện báo viên trải qua những năm dài gian khổ còn sống khỏe mạnh, cả các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ địa phương đều là người quen cũ, không thể không dừng lại, không thể không có những cuộc đi thăm hỏi, không thiếu được các bữa ăn, nhất là các món ăn Cung đình Huế.
Dừng lại Huế chỉ một đêm và gần hai ngày. Nhưng đến Đà Nẵng càng không thể đi ngay. Có biết bao gia đình và cơ sở cần đến thăm. Có bao chuyện cần bàn để xây dựng cơ quan đại diện ở miền Trung và Tây Nguyên, lại còn vừa bổ sung, luân chuyển cán bộ cho các tỉnh trong khu vực, kể cả việc dựng vợ gả chồng cho một số cán bộ phóng viên bởi đã hòa bình như lời hẹn ước.
Quảng Ngãi cũng phải dừng lại không phải chỉ vì đề tài “quê gốc của bún bò, giò heo có đúng là Quảng Ngãi không” mà cũng như mọi nơi đi qua, công tác luân chuyển và điều kiện hoạt động của cán bộ sau giải phóng đòi hỏi phải có thì giờ cùng bàn bạc.
Đến Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, không chỉ có những công việc giống như mọi nơi mà lại có hai việc bức xúc: một là xe chính sách gồm các chị và các cháu bỏ xa đoàn, đi lạc phải mất công tìm kiếm, hai là cần thuyết phục anh Đỗ Bích ở lại thăm gia đình. Đã 21 năm chị và các cháu ngóng tin anh. Cả tình và lý, anh Bích chấp nhận ở lại, sẽ vào Sài Gòn sau.
Đến Phan Rang quyết định ngược lên Đà Lạt gặp Xuân Bích và anh em khu 6 trong đó có cô điện báo viên duy nhất của khu 6 còn sống sau chiến tranh. Đến chỗ Xuân Bích thì có điện của anh Năm Xuân hỏi ngày đến Sài Gòn và nhắc khéo anh Trần Quang Huy chuyển lời hỏi thăm.
Biết là không thể trì hoãn. Rời Đà Lạt, tới Sài Gòn lúc 6 giờ chiều. Anh Phấn chỉ theo bản đồ mà không cần hỏi đường, xe dừng đúng trước nhà 155 Hiền Vương (Võ Thị Sáu). Hầu như tất cả đã chờ sẵn. Ôm nhau, mừng mừng, tủi tủi.
Chỉ riêng cháu Mai đứng trước bố mẹ mà tần ngần. Cháu đã học cấp ba phổ thông, không quen mặt bố mẹ. Thì ra tội là ở chú Đỗ Phượng hay trêu cháu dọc đường “chuyến này về làm tiểu thư nhà tư sản ở Sài Gòn.”
Các cháu học sinh miền Bắc thời đó, phân biệt địch ta, phân biệt giai cấp rõ ràng và quyết liệt. Phải đến với cháu nói rõ “ba mẹ là anh hùng sống trong lòng địch làm kinh tế cho cánh mạng, không phải là tư sản đâu, chú nói giỡn đó.”
Vậy mà chị Tư Hòa cho biết cả tháng trời, Mai mới nhận thức rõ và quan hệ thân thiết với ba má. Mai học giỏi và ngoan, tiếc cháu mất sớm vì bạo bệnh. Xin trong trang viết này chia sẻ với chị Tư.
Gặp anh chị em Thông tấn xã giải phóng, nhiều người chỉ nghe tên nhưng chưa biết mặt. Ngay cả lớp cao tuổi như Ba Đỗ, Sáu Nghĩa, 30 năm chiến đấu chưa một lần ra Bắc. Thế mà sao thân thiết, gần gũi. Nhiều đồng chí chỉ nghe tiếng nói qua băng ghi âm và đọc thư gửi từ Hà Nội. Anh chị em không nói đến những món quà lớn mà rất nhớ những cái nhỏ nhặt như dụng cụ thô sơ để xỏ quai dép cao su.
Khoảng một tháng sau, thương anh Năm Xuân vốn nghiêm chỉnh, thật thà, luôn lo nghĩ cho anh em nên rất lo khi họp đại hội toàn Đảng bộ, chân ướt chân ráo mới vào làm sao Đỗ Phượng có đủ số phiếu trúng cử ở mức kha khá để làm Bí thư Đảng ủy như chỉ đạo của Trung ương Cục.
Trên hai trăm lá phiếu 100% đã dồn cả cho người mới đến. Không thể nói khác hơn đó là những lá thăm mang theo tình cảm cách mạng trong sáng, không tiền bạc, của cải nào có thể so sánh được. Cho đến lúc này, đã 35 năm, vẫn không thể quên tinh thần cách mạng và tình chân thành đó.
Bài viết đã quá dài, xin được kết thúc bằng sự kiện đặc biệt ngày 15 tháng 9 năm 1975. Được anh Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục và Thường vụ Trung ương Cục cho phép, Thông tấn xã đã tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Việt Nam Thông tấn xã ngay tại một nhà hàng nổi tiếng nhất ở trung tâm Chợ Lớn.
Anh Phạm Hùng và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục, Chính phủ Cách mạng Lâm thời, lãnh đạo các ban, ngành của miền Nam, cùng các nhà lãnh đạo lực lượng thứ ba và một số nhân sỹ, trí thức và các nhân vật tiêu biểu trong chính quyền Sài Gòn cũ đã tham dự.
Không một chút nghi thức, chủ nhà nói vài lời giới thiệu và cảm ơn chung các vị khách và mời đồng chí Phạm Hùng chúc rượu. Anh Phạm Hùng nói ngắn gọn đại ý là: Xin cảm ơn tất cả các bạn có mặt để chúc mừng 30 năm ngày truyền thống Việt Nam Thông tấn xã, cơ quan thông tin chiến lược do Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập và đặt tên. Ở đây có anh chị em Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã giải phóng tuy hai tổ chức nhưng chỉ là một. Họ đều là những chiến sỹ thực hiện chung một nhiệm vụ. Xin nâng cốc chúc Thông tấn xã cả nước ta không ngừng phát triển và tiến bộ.
Đó là cuộc gặp gỡ đông đảo đầu tiên mang tính tập hợp rộng rãi ở miền Nam kể từ sau ngày 30/4/1975 được Thường vụ Trung ương Cục khen ngợi, đánh giá cao.
Từ trái tim một người gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam, nhân bài viết này, hết lòng biết ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí và đồng nghiệp các thế hệ của Thông tấn xã Việt Nam và gia đình họ cùng các tổ chức và cơ sở đã ủng hộ hết lòng sự nghiệp Thông tấn./.