Thông qua Tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+

ADMM+ thống nhất tiếp tục thúc đẩy, tăng cường hợp tác quốc phòng trong cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm nhằm xây dựng lòng tin, xây dựng năng lực ứng phó với các mối đe dọa chung.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 10/12, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Tham dự về phía Đoàn Việt Nam có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện các đơn vị của Bộ Quốc phòng.

Cùng dự Hội nghị tại các điểm cầu có Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước mở rộng : Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; đại sứ, tùy viên quốc phòng/tùy viên quân sự các nước ASEAN và các nước Cộng tại Hà Nội.

Hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và các đối tác tiếp tục là điểm sáng

Phát biểu khai mạc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch chào mừng các đại biểu tham dự ADMM+ lần thứ 7 - Hội nghị ADMM+ đầu tiên được tổ chức bằng hình thức trực tuyến; bày tỏ tin tưởng rằng việc tổ chức Hội nghị trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ADMM+.

Nhấn mạnh đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động toàn diện, sâu rộng tới các mặt của đời sống, kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: “Trong khi một số thể chế đa phương trên toàn thế giới đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, hợp tác trong kênh quốc phòng giữa ASEAN và các đối tác vẫn tiếp tục là một điểm sáng.

Kênh quốc phòng đã thể hiện được vai trò tích cực của mình không chỉ trong tham gia phòng, chống dịch bệnh của quân đội của mỗi nước, mà còn trong cả hợp tác khu vực.

Với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng," trên cơ sở các nền tảng kỹ thuật số hiện đại, chúng ta vẫn duy trì trao đổi và hợp tác thường xuyên, rút ngắn được khoảng cách địa lý và không gian giữa Bộ Quốc phòng và quân đội các nước."

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, năm 2020 thực sự là một năm đầy thử thách. Đại dịch COVID-19 đã kéo theo hàng loạt hệ lụy về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thương mại, đầu tư. ASEAN và các đối tác theo đó phải đứng trước những thách thức vô cùng to lớn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế, nhiều sáng kiến, cách làm mới vẫn được triển khai, nhằm đảm bảo được duy trì, thúc đẩy đà hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết tháng 2/2020, Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó với dịch bệnh đã được thông qua, làm cơ sở để Diễn tập trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19 của lực lượng Quân y ASEAN được triển khai vào tháng 5/2020.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cảm ơn sự ủng hộ và cử quan sát viên tham gia diễn tập của một số nước mở rộng (+), bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, những hoạt động tương tự với sự tham gia của các nước này sẽ được triển khai.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Hội nghị ADMM-14 đã được tổ chức thành công với nhiều sáng kiến, tài liệu khái niệm, quy trình hoạt động chuẩn được thông qua.

Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) trực tuyến qua cầu truyền hình. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong ADMM+, đây là năm các Nhóm chuyên gia ADMM+ đánh giá, tổng kết hoạt động của chu kỳ 2017-2019, lập kế hoạch cho chu kỳ mới. Đặc biệt, năm 2020 còn đánh dấu 10 năm thiết lập cơ chế ADMM+.

Các nước thành viên ADMM+ đã cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, đề ra tầm nhìn chiến lược để ADMM+ phát triển vững chắc trong thời gian tới.

Khẳng định Hội nghị ADMM+ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cũng là hội nghị cấp Bộ trưởng cuối cùng mà Việt Nam trên cương vị Chủ tịch, Đại tướng Ngô Xuân Lịch mong muốn các đại biểu dự Hội nghị tiếp tục trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các thách thức an ninh mà thế giới và khu vực đang phải đối mặt; thống nhất về các định hướng hợp tác cho kênh quốc phòng trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đánh giá cao nỗ lực của Nhóm làm việc Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN và Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM+) vừa qua đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho Hội nghị ADMM+ lần thứ 7.

Thống nhất về các định hướng hợp tác quốc phòng trong ADMM+

Sau khi thông qua Chương trình nghị sự, các đại biểu đã nghe cập nhật tình hình hợp tác trong ASEAN; báo cáo kết quả Hội nghị ADSOM+; trao đổi quan điểm về tình hình an ninh khu vực và thế giới.

Chia sẻ tại hội nghị, các nước thành viên ADMM+ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam đã chủ động, kịp thời thích ứng với tình hình mới, tích cực triển khai các ưu tiên, sáng kiến đã đặt ra trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Việt Nam đã tổ chức thành công các hội nghị quốc phòng quân sự ASEAN trong thời gian qua, đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả; kịp thời đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh cũng như triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ADMM+.

[Kỷ niệm 10 năm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng]

Ghi nhận kết quả của Hội nghị ADSOM+ diễn ra ngày 19/11/2020 để có sự chuẩn bị tốt cho ADMM+ lần thứ 7; các đại biểu cũng nhấn mạnh bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nước ADMM+ vẫn tiếp tục chủ động, tăng cường hợp tác; duy trì trao đổi, hợp tác thường xuyên trên cơ sở các nền tảng kỹ thuật số hiện đại; nỗ lực thúc đẩy sự gắn kết, chủ động thích ứng của ASEAN trong quá trình thích nghi với sự chuyển dịch về địa chiến lược và địa chính trị thông qua việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các nước mở rộng (+).

Các đại biểu đánh giá cao những tiến triển của ADMM+ trong 10 năm qua, trong đó có việc thường xuyên hóa ADMM+ và nâng số lượng các Nhóm chuyên gia ADMM+ từ 5 nhóm lên 7 nhóm, đặc biệt là sự tiến triển trong hoạt động hợp tác thiết thực của các Nhóm chuyên gia ADMM+, gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; an ninh biển; quân y; chống khủng bố; gìn giữ hòa bình; hành động mìn nhân đạo; an ninh mạng, qua đó, đóng góp cho việc xây dựng năng lực, tăng cường khả năng phối hợp hoạt động chung giữa các nước thành viên ADMM+ nhằm ứng phó với các thách thức an ninh, vì lợi ích chung của cả khu vực.

Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, các đại biểu nhất trí đánh giá hiện nay khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cả truyền thống và phi truyền thống như an ninh biển, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, dịch bệnh..., có nguy cơ ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định của khu vực; ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Các nước thành viên ADMM+ cũng thống nhất tiếp tục thúc đẩy, tăng cường hợp tác quốc phòng trong cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm nhằm xây dựng lòng tin, xây dựng năng lực ứng phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa về an ninh chung trong khu vực, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ một số ý kiến cuối Hội nghị, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch bày tỏ sự đồng tình với nhận định của các đại biểu về bối cảnh an ninh trong giai đoạn hiện nay, bày tỏ quan ngại về các thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống.

“Chúng ta đều nhất trí với nhận định rằng trước những thách thức an ninh nêu trên, một quốc gia đơn lẻ không thể ứng phó hiệu quả được, thay vào đó cần phải chung tay hợp tác thông qua song phương và đa phương. Riêng đối với hợp tác đa phương, ADMM+ tiếp tục chứng tỏ là một cơ chế hiệu quả, phù hợp để chúng ta tiếp tục đầu tư nguồn lực nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên cơ sở những gì chúng ta đã làm được trong 10 năm qua," Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu rõ.

Hội nghị đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung của ADMM+ về tầm nhìn chiến lược an ninh. Tuyên bố chung này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 và kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+; thể hiện sự thống nhất cao, sự cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ADMM+ trong tăng cường hợp tác quốc phòng, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam trao biểu trưng vai trò Chủ tịch ADMM và ADMM+ cho Đại sứ Brunei Darussalam tại Việt Nam Dato Paduka Haji Mahadi Haji Wasli. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngay sau khi kết thúc Chương trình nghị sự ADMM+ lần thứ 7, Việt Nam đã tiến hành bàn giao chức Chủ tịch ADMM, ADMM+ cho Brunei Darussalam.

Phát biểu tại Lễ bàn giao, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam bày tỏ tin tưởng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021, Brunei Darussalam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần "Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" trong ADMM và ADMM+; khẳng định không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia thành viên ADMM+ sẽ tích cực ủng hộ Brunei Darussalam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục