Sau gần 3 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, chiều 15/12 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29) đã họp phiên toàn thể cuối cùng và phiên bế mạc dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug.
Hội nghị đã thông qua Thông cáo chung thể hiện quyết tâm của các nghị viện thành viên củng cố hợp tác nghị viện đa phương cùng đoàn kết, hợp tác phục hồi sau đại dịch.
Tại phiên toàn thể cuối cùng, các nghị viện thành viên APPF đã nhất trí thông qua các thay đổi về Quy chế làm việc của APPF; nghe báo cáo kết quả làm việc của Hội nghị nữ nghị sỹ và Ủy ban soạn thảo Thông cáo chung và thống nhất thông qua 13 dự thảo nghị quyết, Thông cáo chung với sự đồng thuận cao.
Hội nghị cũng nhất trí đề cử của Ban Chấp hành APPF về việc Quốc hội Việt Nam, cùng với Quốc hội Nhật Bản và Quốc hội New Zealand tham gia Ban Chấp hành APPF mới, trong nhiệm kỳ mới 4 năm, bắt đầu từ APPF-30 đến hết Hội nghị APPF-33.
[Tăng cường hợp tác Nghị viện APPF hướng tới một châu Á-TBD thịnh vượng]
Việc Quốc hội Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành APPF cho thấy sự tín nhiệm cao của các nghị viện thành viên đối với Quốc hội Việt Nam.
Cũng tại phiên toàn thể, Hội nghị chào mừng Hội đồng lập pháp Brunei Darussalam chuyển từ vị trí quan sát viên thành thành viên APPF.
Quốc hội Hàn Quốc chuyển giao chức Chủ tịch APPF và vai trò chủ nhà APPF-30 dự kiến tổ chức vào năm 2022, cho Quốc hội Thái Lan. Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thái Lan Chuan Leekpai đã có bài phát biểu ghi hình ngay sau khi tiếp nhận chức Chủ tịch APPF.
Trước đó, tiếp tục nội dung làm việc trong khuôn khổ APPF-29, sáng cùng ngày, các nghị viện thành viên APPF tham gia thảo luận tại phiên toàn thể thứ ba về hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhấn mạnh khu vực và thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, như đại dịch COVID-19 và khủng hoảng về biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, các đại biểu nhận định cần tăng cường hợp tác nghị viện APPF để ứng phó với các vấn đề này, hướng tới phát triển bền vững.
Theo các đại biểu, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, như mực nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt và các cơn bão, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh kế của người dân.
Một nửa dân số châu Á-Thái Bình Dương (khoảng 2,4 tỷ người) sống ở các vùng đất trũng ven biển, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng hiện có nhưng cũng làm nổi bật tầm quan trọng của một xã hội bao trùm, bình đẳng và bền vững. Để tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, vai trò của các nghị viện là vô cùng quan trọng.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, bà Lê Thu Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết Quốc hội Việt Nam đánh giá cao sự tham gia ngày càng được tăng cường của các nghị viện trong việc thúc đẩy các hành động vì khí hậu, phù hợp với các nỗ lực chung toàn cầu, như Hội nghị Nghị viện tại Kỳ họp các bên Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, các nghị viện, với chức năng lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách và đại diện cho người dân, là chìa khóa để đảm bảo thực hiện các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã được nhất trí trong các thỏa thuận như Thỏa thuận Paris, Hiệp ước khí hậu Glasgow," bà Lê Thu Hà phát biểu.
Nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bà Lê Thu Hà cho biết Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản luật, tạo cơ sở pháp lý cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác nghị viện và phối hợp với các tổ chức quốc tế.
Quốc hội Việt Nam đề xuất các nghị viện cần đưa ra nhiều sáng kiến hơn để khuyến khích cách tiếp cận toàn xã hội nhằm quản lý toàn diện rủi ro khí hậu và thiên tai; hỗ trợ và thúc đẩy các chính phủ huy động các nguồn tài chính để đầu tư vào các dự án công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng.
Các nghị viện cũng cần tăng cường đối thoại và ngoại giao nghị viện, hợp tác giữa các nghị viện APPF, thông qua Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và các tổ chức liên nghị viện khác.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị APPF-29, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp của Ủy ban soạn thảo Thông cáo chung Hội nghị APPF-29 được tiến hành theo hình thức trực tuyến.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các nội dung của dự thảo và được Ủy ban soạn thảo tiếp thu, thể hiện trong dự thảo Thông cáo chung.
Ba nội dung được Đoàn Việt Nam đề xuất, tiếp thu vào dự thảo Thông cáo chung gồm kêu gọi hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm tiếp cận công bằng đối với vaccine, các biện pháp về y tế, phương pháp điều trị COVID-19…
Việt Nam cũng đề xuất những vấn đề về an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những vấn đề được Việt Nam quan tâm và ưu tiên./.