Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 11/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 với 453 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 90,96 %.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 11/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 với 453 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 90,96 %. 

Dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 sau khi tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội gồm 4 Điều, 8 Phụ lục.

Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương là 863.567 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 757.177 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.294.067 tỷ đồng, trong đó dự toán 436.204 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo quy định tại tiết đ điểm 1.2 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15; ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2023, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2023; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.

Đặc biệt, đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Về ý kiến đề nghị cần ban hành giải pháp cụ thể, gắn liền với chế tài và trách nhiệm cá nhân trong việc phân bổ, giải ngân nguồn vốn đầu tư ngân sách trung ương đặc biệt là Chương trình phục hồi kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên.

[Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử]

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của ngân sách trung ương chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phương án phân bổ cụ thể, bổ sung dự toán trong năm đối với số kinh phí của ngân sách trung ương chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 11/11. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đối với các Chương trình, đề án chưa đề xuất cụ thể nguyên tắc, tiêu chí thì chưa có căn cứ để phân bổ cụ thể. Để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị giao Chính phủ xây dựng  nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên, chi đầu tư áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Về ý kiến đề nghị cân nhắc lại tỷ lệ điều tiết của địa phương một cách hợp lý, nâng mức được giữ lại để bảo đảm nguồn lực phát triển cho địa phương, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc xác định lại tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho từng địa phương trên cơ sở dự toán thu ngân sách Nhà nước và dự toán chi ngân sách địa phương năm 2023 và áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách đến năm 2025.

Tuy nhiên, do nhiều địa phương sau khi xác định lại tỷ lệ điều tiết để lại cho địa phương có sự sụt giảm lớn, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc cân đối nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Vì vậy, Chính phủ đã dự kiến bố trí 32.000 tỷ đồng trên cơ sở mức đóng góp nguồn thu về ngân sách trung ương và mức tăng chi hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2021 và dự toán năm 2022 để cân đối cho các địa phương này có thêm nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp tăng thu cho ngân sách trung ương.

Về ý kiến đề nghị tăng mức hỗ trợ để bố trí cho công tác an sinh xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương cho công tác an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đã cơ bản được bảo đảm.

Ngoài ra, trong điều hành ngân sách, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương nhất là các địa phương có khả năng cân đối ngân sách cần ưu tiên bổ sung nguồn lực bố trí cho công tác an sinh xã hội theo thẩm quyền…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục