Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 12/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự với 466/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Thống nhất tên gọi của Luật
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Có ý kiến đề nghị đưa nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự vào điều quy định về Điều khoản thi hành. Có ý kiến đề nghị sửa tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.
[Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của công an xã là cần thiết]
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung chính của dự án Luật là sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc sửa đổi Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự chỉ nhằm bảo đảm sự thống nhất với nội dung sửa đổi tại khoản 3 Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc sửa đổi Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự sẽ đưa vào nội dung của điều khoản thi hành như dự thảo Luật.
Về bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm (khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật - sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự), đa số đại biểu Quốc hội tán thành quy định của dự thảo Luật.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về thời điểm sửa đổi để bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến cho rằng, nội dung sửa đổi này không có căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trên cơ sở quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành việc triển khai Đề án bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Đến nay, các cơ quan chức năng đều đánh giá lực lượng Công an xã có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm nếu được giao nhiệm vụ.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý kịp thời, nhanh chóng các vụ việc ngay tại địa bàn cơ sở, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Vì vậy, việc sửa đổi này có căn cứ áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Giao thêm trách nhiệm cho Công an xã xác minh tin tố giác tội phạm
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua, gồm 2 điều. Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 như sau: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 148 như sau: Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết điểm này.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 như sau: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 như sau: Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố.
Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 229 như sau: Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết điểm này.
Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 247 như sau: Khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết điểm này.
Sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, với quy định như sau: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021./.