Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 22/11, Quốc hội làm việc ở Hội trường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và thảo luận về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Nêu cao trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy.
Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng cháy và chữa cháy; chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy; về phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy...
Bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh
Thảo luận về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, đa số các đại biểu đánh giá Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) đánh giá về cơ bản, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng của các văn bản từng bước được nâng lên so với trước. Những kết quả của hoạt động này đã góp phần đưa luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Đình Luyến cũng cho rằng công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết còn nhiều hạn chế. Nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Điều này làm cho các quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước... Đây là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc để sớm khắc phục trong thời gian tới, đại biểu Luyến nhấn mạnh.
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng trên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong suốt nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội là rất lớn. Quốc hội mới chỉ xây dựng được 46/144 dự án (31,9%).
Sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi, số lượng luật, pháp lệnh phải thông qua sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là một áp lực cả về số lượng và chất lượng, do vậy tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết ngày càng chậm.
Hầu hết các điều đều giao cho Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn. Bên cạnh đó, do số lượng luật lớn, nhiều luật có nội dung dài nên khả năng tiếp thu của các đối tượng điều chỉnh còn thấp; khả năng tuyên truyền luật, pháp lệnh chưa sâu rộng; việc phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo, tổ biên tập còn thiếu đồng bộ, chất lượng cán bộ tham gia soạn thảo văn bản còn hạn chế...
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, việc xây dựng luật cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cuộc sống, không chạy theo số lượng, coi trọng chất lượng. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội có trách nhiệm “song hành” với cơ quan soạn thảo ngay từ giai đoạn đầu để cùng đề xuất các chính sách, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các chính sách mới phù hợp với thực tiễn, giám sát các văn bản để phát hiện sai sót, kiến nghị hoặc dừng các văn bản trái pháp luật...
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ trình dự án; tăng cường giám sát; công khai những cơ quan chậm ban hành văn bản hướng dẫn; kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những dự án luật không bảo đảm quy định ngay từ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm, bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh; sớm khắc phục tình trạng “9 không”: không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên lượng trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực.../.