Thông qua danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh của Luật Đầu tư

Với 83,16% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Hà Nam Trần Thị Hiền phát biểu ý kiến. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Sáng 22/11, thực hiện chương trình kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Với 83,16% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị không bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô; kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giữ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này như dự án Luật. Về ý kiến đề nghị không bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề Kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản; Nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản và Nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện đã có quy định quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vì vậy đề nghị không quy định điều kiện đối với các ngành, nghề này.

Có ý kiến đề nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề Khai thác thủy sản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng khai thác thủy sản trên biển có liên quan đến các vùng biển Việt Nam và quốc tế, phải đáp ứng các quy định về Giấy phép khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam, đáp ứng điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như trong dự án Luật.

Đối với đề nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề xuất khẩu gạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu xuất khẩu gạo là một ngành đặc thù, liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, việc xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường gạo quốc tế, hơn nữa để đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất lúa với doanh nghiệp xuất khẩu thì xuất khẩu gạo cần phải được quản lý chặt chẽ, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như trong dự án Luật.

Về việc hợp nhất một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị không hợp nhất các ngành, nghề kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV; kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi; kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm; kinh doanh dịch vụ tiêm chủng; kinh doanh dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ vào ngành, nghề Kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; có ý kiến đề nghị không hợp nhất ngành, nghề Hoạt động của cơ sở phân loại trang thiết bị y tế, kinh doanh dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế vào kinh doanh trang thiết bị y tế để tránh hiểu nhầm, khó áp dụng trong thực tế. Tiếp thu các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ các ngành, nghề trên như Danh mục hiện hành.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, trừ quy định tại khoản 2 Điều này. Quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017: Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô. Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại khoản này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục