Thời gian qua đã có những ý kiến, quan điểm khác nhau về chất lượng biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), thậm chí còn phủ nhận số liệu của hệ thống thống kê Nhà nước.
Để hiểu rõ hơn về phương pháp tính, tính thống nhất, tính nhất quán của số liệu thống kê, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, trước những thông tin cảm tính và phủ nhận số liệu của hệ thống thống kê Nhà nước, ông bình luận gì về vấn đề này?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tổng cục Thống kê nhận thức rất rõ và không ít lần lãnh đạo ngành Thống kê công khai thừa nhận, thực tế số liệu thống kê hiện nay vẫn còn một số bất cập và cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, như việc triển khai Đề án khắc phục chênh lệch số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giữa Trung ương và địa phương; chủ động nghiên cứu, thu thập thêm thông tin để có bức tranh đầy đủ và toàn diện hơn về tình hình kinh tế-xã hội hay việc xây dựng chương trình trung hạn, dài hạn về đào tạo, đào tạo lại...
Có thể nói, trong hoạt động thống kê, chất lượng số liệu thống kê phụ thuộc vào nhận thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử của ba nhóm chủ thể có liên quan mật thiết với nhau, đó là nhóm cung cấp thông tin cho ngành thống kê; nhóm sản xuất và công bố thông tin thống kê và nhóm sử dụng thông tin thống kê.
Ngoài ra, tôi cũng muốn đề cập đến trách nhiệm của người sử dụng số liệu thống kê phải hiểu các con số thống kê phản ánh gì, từ đó đưa ra được những khuyến nghị, gợi ý để xây dựng chính sách cho phù hợp.
- Thưa ông, vừa qua có ý kiến của Đại biểu Quốc hội về việc “Tăng trưởng các quý cuối năm rất cao, nhưng sang quý 1 đầu năm sau liền kề lại giảm xuống rất nhanh và đột ngột,” ông có thể làm rõ hơn về ý kiến này?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tăng trưởng GDP của nước ta trong quý 1 thường thấp, sau đó tăng lên trong những quý tiếp theo là do hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết, đầu tư, xây dựng nhà ở, sản xuất nông nghiệp theo mùa, các lễ hội, mùa du lịch và cả về thủ tục hành chính...).
Bên cạnh đó, vốn đầu tư thực hiện thường đạt thấp trong những tháng đầu năm. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn trước đây và hiện nay phần lớn phụ thuộc vào vốn đầu tư (yếu tố vốn đầu tư luôn đóng góp gần 50% vào tăng trưởng GDP), phần còn lại là đóng góp của yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp (TFP).
Những năm qua, vốn đầu tư thực hiện (trong đó có đầu tư công chiếm từ 23-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) có xu hướng tăng dần qua các quý; trong đó quý 1 thường đạt thấp do những tháng đầu năm có kỳ nghỉ Tết cổ truyền kéo dài, tâm lý người Việt Nam trong những ngày trước và sau Tết không tập trung nhiều cho đầu tư sản xuất kinh doanh; đồng thời theo thói quen của người dân thì việc đầu tư xây dựng nhà ở của dân cư thường thực hiện vào những tháng cuối năm.
[Thủ tướng: Không chủ quan để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7%]
Đặc biệt, đối với nguồn vốn đầu tư công (bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư phát triển), trong những tháng đầu năm bên cạnh thủ tục, quy trình phân bổ nguồn vốn này thường chậm, các chủ dự án, công trình cũng tập trung hoàn tất các thủ tục để thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong năm. Do đó, vốn đầu tư thực hiện thường đạt thấp trong những tháng đầu năm, các tháng cuối năm có xu hướng tăng để giải ngân nhanh nguồn vốn này.
Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công so kế hoạch còn đạt thấp hơn (quý 1 đạt 13,8%; 6 tháng đạt 34,8%; 9 tháng đạt 59,2%) do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được phê duyệt và giải ngân rất chậm. Do đó, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong quý 1 và những tháng đầu năm đạt thấp và có xu hướng tăng lên trong các quý tiếp theo là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP thường chậm trong các tháng đầu năm và tăng cao hơn trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, chi ngân sách Nhà nước quý 1 cũng đạt thấp so với dự toán. Điều này cũng làm cho tăng trưởng GDP của quý 1 thường thấp hơn các quý cuối năm. Tiếp đến dư nợ tín dụng có xu hướng tăng dần qua các quý. Những năm vừa qua, dư nợ tín dụng (so với tháng 12 năm trước) có xu hướng tăng dần qua các quý đã phản ánh thực trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng có xu hướng tăng qua các quý.
Đơn cử như năm 2016, tốc độ tăng dư nợ tín dụng quý 1 tăng 3,04%, quý 2 tăng 8,21%, quý 3 tăng 11,64% và quý 4 tăng 18,25%. Tương tự, năm 2017 lần lượt là 4,37%, 9,01%, 11,02% và quý 4 dự kiến là 21%.
- Cũng có ý kiến cho rằng “GDP quý 1 thấp do nghỉ Tết, nhưng bù lại tăng tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư,” ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tổng sản phẩm trong nước là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh giá trị mới tăng của sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (quý, 6 tháng, 9 tháng, năm). Tổng sản phẩm trong nước được tính theo giá hiện hành và giá so sánh cho từng quý và cả năm thông qua phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng.
Theo phương pháp sản xuất, GDP được tính bằng tổng giá tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Việc tiêu dùng tăng lên trong dịp Tết sẽ tác động chính tới một số ngành dịch vụ (bán lẻ, vận tải, bưu chính viễn thông, văn hóa, vui chơi, giải trí...), nhưng các ngành sản xuất vẫn bị ảnh hưởng do phần lớn các sản phẩm phục vụ Tết chủ yếu được sản xuất cuối năm trước, khu vực hành chính, giáo dục thường được nghỉ dài ngày trong dịp Tết cổ truyền.
Bên cạnh đó, theo phương pháp sử dụng, GDP bằng tổng của 3 yếu tố là tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và Nhà nước; tích lũy tài sản (cố định, lưu động và quý hiếm) và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, trong quý 1 ngoại trừ tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình tăng (tiêu dùng cuối cùng tăng làm GDP tăng), hoạt động đầu tư và xuất khẩu những tháng đầu năm đạt thấp đã ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP (làm GDP tăng thấp).
- Thưa ông, để có số liệu thống kê cung cấp cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và phổ biến cho các nhà nghiên cứu, người sử dụng, cơ quan thống kê đã áp dụng phương pháp tính toán như thế nào để đảm bảo tính nhất quán của các chỉ tiêu thống kê?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tôi khẳng định hiện ngành Thống kê đang áp dụng phương pháp thống nhất trong xử lý, tính toán để đảm bảo tính nhất quán của các chỉ tiêu thống kê theo thời gian, so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để số liệu thống kê đạt chất lượng thì việc sử dụng phương pháp thống kê khoa học, tiên tiến... là chưa đủ mà thông tin đầu vào mới chính là một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng số liệu thống kê.
Nhưng có một thực tế, nhận thức và trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc nhóm cung cấp thông tin cho ngành thống kê còn chưa tốt.
Do đó, nhiều thông tin cung cấp không sát với thực tế, chưa phản ánh đúng thực trạng sản xuất kinh doanh và không kịp thời vào thời điểm cơ quan thống kê cần có số liệu. Bên cạnh đó, nguồn thông tin của một số Bộ, ngành còn khép kín, việc chia sẻ thông tin cho cơ quan thống kê còn có những bất cập, gây khó khăn cho việc đánh giá, phân tích và dự báo tình hình.
Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh, đối với người sử dụng số liệu thống kê cần có thái độ công bằng, bình tĩnh xem xét và thể hiện chính kiến của mình về số liệu thống kê; người sử dụng có tri thức sẽ mang ý nghĩa định hướng rất lớn đối với dư luận xã hội.
- Xin cám ơn ông./.