“Hệ thống quy định về tiêu chuẩn-quy chuẩn và ghi nhãn của EU” là nội dung hội thảo do Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) nhằm xây dựng một lộ trình thống nhất và phù hợp với hệ thống quy định của EU, tạo thuận lợi cho việc thực thi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU.
Bà Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ cho biết hội thảo cũng nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp về khung khổ quy định của EU trong lĩnh vực quy định về tiêu chuẩn-quy chuẩn và ghi nhãn của EU, tăng cường hợp tác của EU trong lĩnh vực tiêu chuẩn-quy chuẩn và quy trình đánh giá tính phù hợp.
Ngoài ra, hội thảo cũng giúp các nhà sản xuất cập nhật thêm thông tin khi xuất khẩu sang EU về các quy định ghi nhãn sinh thái nhằm tăng cường tiếp cận thị trường khó tính này nhất là đối với các ngành hàng dệt may, da giày và nhựa.
Theo ông David Martin, chuyên gia Dự án EU-MUTRAP, chương trình này nhằm hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu và tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Cụ thể là hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành thuận lợi hóa thương mại quốc tế và đầu tư thông qua việc tăng cường năng lực hoạch định chính sách, tham vấn chính sách, đàm phán và thực thi các cam kết liên quan nhất là trong quan hệ với EU.
Phân tích thiếu hụt và những thách thức mà Việt Nam đang gặp vướng mắc khi xuất khẩu sang EU, ông Casten Kudahl, chuyên gia EU-MUTRAP nhấn mạnh hiện nay, Luật đo lường quốc gia của Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng là một rào cản đối với những điều kiện khắt khe của thị trường EU.
Bên cạnh đó, chưa đến 40% các tiêu chuẩn của Việt Nam được hài hòa theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO, IEC, Codex…Do vậy, cần khẩn trương xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia được hài hòa hóa để tương thích với quốc tế nhằm thuận lợi hóa thương mại.
Tại hội thảo, các chuyên gia còn tập trung thảo luận các đề xuất về việc tăng cường xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia của Việt Nam đảm bảo sự hài hòa, phù hợp với các quy định quốc tế.
Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị cần xây dựng một cổng thông tin đơn giản hỗ trợ xuất khẩu. Ngoài ra, khuyến khích đầu tư và nâng cao vai trò của các cơ sở thử nghiệm tư nhân, sử dụng ngân sách Nhà nước để phát triển với số lượng có hạn các phòng thí nghiệm chất lượng cao, thử nghiệm so sánh chéo và giám định vì mục đích kiểm soát chính thức để nâng cao khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang EU./.