Thống nhất giờ làm việc từ 8h30: Chưa vướng mắc tại sao lại thay đổi?

Đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan Nhà nước trên toàn quốc có thể sẽ bị loại ra khỏi dự thảo Bộ Luật lao động bởi lẽ quy định linh hoạt giờ làm việc chưa có vướng mắc trong thực hiện.
Thống nhất giờ làm việc từ 8h30: Chưa vướng mắc tại sao lại thay đổi? ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong dự thảo Bộ Luật Lao động đang công bố để lấy ý kiến, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất thống nhất quy định thời gian làm việc tại các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội trên cả nước bắt đầu từ 8 giờ 30 phút. Đề xuất này đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Lý do chưa thuyết phục

Lý do ban soạn thảo dự thảo Bộ Luật lao động đề xuất thống nhất giờ làm việc là do để bộ máy hành chính nhà nước thông suốt từ trung ương đến địa phương về giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi. Đối tượng phục vụ của cơ quan hành chính là người dân nên việc công khai giờ làm việc thống nhất sẽ thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, không để mỗi nơi một giờ như hiện nay.

[Đề xuất làm việc từ 8h30: Quy định thay đổi sinh hoạt của toàn xã hội]

Trái với lập luận của ban soạn thảo Bộ Luật Lao động đưa ra, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng đề xuất sửa đổi quy định thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp không phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, quy định hiện hành chưa có bất cập, vướng mắc. Đối với một số thành phố, việc phân chia giờ bắt đầu làm việc được thực hiện để giải quyết vấn đề về áp lực giao thông.

“Lý do đưa ra đề xuất điều chỉnh không hợp lý, đối tượng phục vụ của các cơ quan Nhà nước là người dân và còn tuỳ theo phong tục, văn hóa, địa lý mỗi vùng miền khác nhau. Chẳng hạn, nếu áp giờ làm việc từ 8 giờ 30 phút vào các tỉnh khu vực miền Nam là muộn, không phù hợp,” ông Lê Đình Quảng nói.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, điều kiện địa lý Việt Nam trải dài nhiều vĩ độ, những vùng có khí hậu nắng nóng như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ mới 5 giờ trời đã sáng mà chờ đến 8 giờ 30 phút mới đi làm thì rõ ràng không ổn.

Đề xuất thống nhất giờ làm việc trên cả nước nếu được thông qua sẽ gây xáo trộn lớn trong hoạt động của toàn xã hội. Do đó, các chuyên gia cho rằng quy định này cần phải được tính toán, đánh giá mức độ tác động cụ thể.

“Quy định như hiện nay linh hoạt, phù hợp hơn. Muốn đưa ra để thay đổi thì phải rõ mục tiêu, phải đánh giá kỹ tác động vì một quy định sẽ tác động đến rất nhiều người. Nếu thay đổi có đạt được mục tiêu, có tốt hơn không và nếu làm thì mặt trái là gì? Việc đánh giá tác động vội vàng, chưa rõ nên tôi chưa cảm thấy cần thiết phải thay đổi quy định về giờ làm việc,” ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.

Giữ nguyên giờ làm việc linh hoạt

Mục tiêu đặt ra của việc thống nhất giờ làm việc là tăng cường hiệu quả làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp. Thế nhưng, ngay chính Bộ Nội vụ cũng chưa cảm thấy quy định hiện hành chưa có vướng mắc và không cần thiết phải thay đổi.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho hay, quan điểm của Bộ Nội vụ là giữ nguyên như quy định hiện hành vì Bộ Luật Lao động cũng đã quy định, quan hệ lao động lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, giờ làm việc của cơ quan hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của các cơ quan hành chính. Hiện nay, giờ làm việc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.

Thống nhất giờ làm việc từ 8h30: Chưa vướng mắc tại sao lại thay đổi? ảnh 2Một số cơ quan giải quyết thủ tục hành chính làm việc cả sáng thứ 7. (Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN)

Đại diện doanh nghiệp thậm chí còn cho rằng, muốn phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn thì không phải là quy định thống nhất một giờ làm việc. Các cơ quan Nhà nước có thể nên xem xét sắp xếp thời gian làm việc kết thúc muộn hơn để người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tham gia giải quyết hồ sơ, giấy tờ.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thế giới quy định giờ làm việc linh hoạt để giải quyết vấn đề giao thông không gây ùn tắc, phù hợp với người đi làm và đưa đón trẻ đi học.

“Một số cơ quan cần phục vụ người dân sau giờ làm việc như bảo hiểm, ngân hàng... có thể kéo dài thời gian làm việc so với bình thường như làm đến 19 giờ để phục vụ cho người dân chứ không quy định thống nhất một giờ gây ách tắc giao thông, xáo trộn trong xã hội,” ông Trương Văn Cẩm đề xuất.

Thông thường, cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước chỉ làm việc từ thứ 2 đến hết thứ 6. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của công việc, nhiều cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh làm việc cả sáng thứ 7. Để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước đang điều chỉnh linh hoạt giờ làm việc, do đó việc điều chỉnh thống nhất giờ làm việc trên cả nước có thể đi ngược lại yêu cầu cung cấp dịch vụ công tốt hơn.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng ý với quan điểm nên giữ nguyên quy định giờ làm việc linh hoạt như hiện nay. Đó là Chính phủ quy định đối với các cơ quan Trung ương, các địa phương sẽ do Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định để phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, tâm lý, nguyện vọng, tập quán của các địa phương.

“Tổng kết đánh giá luật không thấy nói đến vướng mắc về thời gian làm việc, vậy thì tại sao lại đề xuất quy định vấn đề này trong dự thảo Bộ Luật Lao động? Khi thẩm tra luật của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chúng tôi sẽ bỏ đề xuất này, không nên bàn đến trong dự thảo Bộ Luật lao động,” ông Bùi Sỹ Lợi cho hay./.

Trong dự thảo Bộ Luật Lao động đang công bố để lấy ý kiến, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra hai phương án quy định thời gian làm việc tại các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.

Phương án 1, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất quy định trong luật: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước.” Theo đó, thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút, nghỉ trưa 60 phút (ít thời gian hơn so với thời gian nghỉ trưa đang được áp dụng). 

Phương án 2 là giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ Luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban Nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục