Chiều 17/12, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về công tác quản lý biên chế.
Báo cáo cho thấy 5 năm qua, tính đến cuối tháng 6/2021, viện kiểm sát nhân dân các cấp có 14.337 công chức, viên chức.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành quy định về phân cấp quản lý, bố trí và sử dụng công chức, viên chức trong ngành, đáp ứng đúng yêu cầu và chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế về xây dựng vị trí việc làm, về quản lý công chức, viên chức để lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng đảng, xây dựng ngành; đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy viện kiểm sát nhân các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng chất đội ngũ công chức, viên chức gắn với thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, số lượng vụ việc về hình sự, các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại ngày càng tăng (bình quân khoảng 10%/năm).
Bên cạnh đó, thực hiện các quy định của 7 đạo luật về tư pháp mới ban hành, sửa đổi từ năm 2015 đến nay, chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát tăng thêm.
Viện kiểm sát chuyển từ 3 cấp thành 4 cấp nhưng số lượng biên chế được giao từ năm 2012 vẫn điều chỉnh giảm với số lượng bắt buộc (10% biên chế) ảnh hưởng trực tiếp chất lượng công tác nghiệp vụ chuyên môn và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ luật định.
Biên chế của viện kiểm sát nhân dân các cấp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết số 522e ngày 16/8/2012 là 15.860 người trên cơ sở khối lượng công việc phải thụ lý giải quyết bình quân trong 3 năm (2009-2011) không còn phù hợp với tổ chức và hoạt động của viện kiểm sát nhân dân theo quy định mới của luật.
[Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế làm việc với TAND Tối cao]
Nguyên nhân là do những năm qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, số lượng các vụ, việc ngày càng tăng, tính chất phức tạp hơn như: tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng với số tiền thất thoát lớn; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng.
Ủy viên Trung ương ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết số lượng vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của ngành kiểm sát phải giải quyết trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2012, nhưng nhân lực không tăng nên đội ngũ kiểm sát viên các cấp chịu rất nhiều áp lực.
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều đạo luật về tư pháp, bổ sung nhiều nhiệm vụ mới cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trách nhiệm ngày càng cao.
Để bảo đảm nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân theo luật định, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế cho ngành kiểm sát nhân dân được điều chỉnh theo hướng bổ sung biên chế cho nhóm vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; giữ ổn định biên chế của nhóm lãnh đạo, quản lý; đồng thời từng bước giảm biên chế của vị trí việc làm nhóm chuyên môn dùng chung và nhóm hỗ trợ, phục vụ.
Ngành kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế của ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, kịp thời cập nhật những quy định mới của Đảng, pháp luật Nhà nước liên quan đến tổ chức và hoạt động của viện kiểm sát nhân dân.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức và việc thi tuyển, bổ nhiệm các chức danh tư pháp trong ngành, bảo đảm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác tại viện kiểm sát nhân dân các cấp…
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao những thành tích cũng như chia sẻ với khó khăn, vướng mắc của ngành kiểm sát trong thời gian qua; khẳng định nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân rất quan trọng là bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Ghi nhận những khó khăn, áp lực mà ngành kiểm sát phải đối mặt trong thời gian qua, nhưng vẫn nỗ lực khẳng định vị thế của mình, được nhân dân tin tưởng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng đề xuất điều chỉnh biên chế theo vị trí việc làm dựa trên nhu cầu thực tiễn của ngành kiểm sát là rất chính đáng.
“Quá trình cơ cấu lại đội ngũ biên chế của ngành kiểm sát trong thời gian qua rất hợp lý, đảm bảo việc tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả," bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Liên quan đến đề xuất của lãnh đạo ngành kiểm sát, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thống kê cụ thể số lượng kiểm sát viên cần thiết theo từng cấp gắn với vị trí việc làm, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế trong thời gian sớm nhất.
Để thực hiện tốt công tác quản lý biên chế, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là việc đưa cán bộ cấp cơ sở luân chuyển lên cấp trên và đưa cán bộ cấp trên về cơ sở để có thêm nhiều kinh nghiệm; đồng thời điều chỉnh cơ cấu biên chế theo hướng xem trọng đội ngũ làm công tác chuyên môn, giảm đội ngũ cán bộ phục vụ.../.