Trong những ngày qua, trước những diễn biến tình hình Biển Đông, giao dịch vàng và tỷ giá trên thị trường có xu hướng tăng bất thường, có những thời điểm sát với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, ngoài yếu tố tâm lý, còn một yếu tố nữa là do kỳ vọng của xã hội vào việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
“Chúng tôi cam kết thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm nếu có điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động điều chỉnh và mức điều chỉnh không quá 2%,” Thống đốc nhấn mạnh.
Tỷ giá tăng do kỳ vọng của xã hội
Thống đốc cho biết, sau khi sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trên thềm lục địa của Việt Nam thì tâm lý của người dân phần nào đó cũng đã bị ảnh hưởng và điều này đã tác động đến thị trường ngoại hối, thị trường vàng. Nhưng sau khi có chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước thì tâm lý đó của người dân đã nhanh chóng được khắc phục.
Điều này được thể hiện ở trên toàn hệ thống tiền gửi bằng ngoại tệ của người dân không tăng, thậm chí giảm, còn tiền gửi bằng đồng VND vẫn tiếp tục tăng lên.
Trong những ngày vừa qua tỷ giá cũng có điều chỉnh tăng, có những thời điểm sát với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, ngoài yếu tố tâm lý, còn một yếu tố nữa là do kỳ vọng của xã hội vào việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giữ ổn định tỷ giá và nếu cần điều chỉnh sẽ không quá 2%. Đến nay đã được gần 6 tháng nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa tiến hành điều chỉnh tỷ giá và tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định.
Do vậy trong xã hội cũng có kỳ vọng sẽ điều chỉnh tỷ giá. Thống đốc phân tích, xét về cung-cầu thị trường, cục diện kinh tế vĩ mô thì thấy rằng hiện nay quan hệ cung-cầu được đảm bảo, cán cân thanh toán thặng dư ở mức trên 10 tỷ USD. Và trong 6 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước vẫn mua được 10 tỷ USD.
Chính vì vậy, Thống đốc nhấn mạnh: “Trước bối cảnh như vậy chúng tôi cho rằng điều kiện để điều chỉnh tỷ giá là chưa có, tuy nhiên để có thể khuyến khích xuất khẩu làm cho giá trị của VND không bị đánh giá quá cao thì việc nhà điều hành cụ thể Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét việc điều chỉnh tỷ giá ở mức độ phù hợp cũng là việc mà xã hội hết sức quan tâm.”
Từ đó, có thể khẳng định rằng tỷ giá lên trong những ngày qua chỉ một phần nhỏ do tâm lý còn chủ yếu là do kỳ vọng của điều chỉnh tỷ giá của thị trường.
“Chúng tôi cam kết thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm nếu có điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động điều chỉnh và mức điều chỉnh không quá 2%,” Thống đốc cho biết.
Ngư dân hoán cải tàu được vay ưu đãi
Giải đáp những băn khoăn của ngư dân về đối với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng về việc ngư dân có tàu nhưng họ muốn hoán cải để chắc chắn hơn khi đánh bắt xa bờ có được vay ưu đãi hay không? Thống đốc nhấn mạnh, gói này nội dung chủ yếu dành cho ngư dân vay đóng tàu sắt to lớn, vững chãi hơn để ngư dân có thể vươn xa bám biển dài ngày hơn và hoạt động đánh bắt xa bờ hiêu quả hơn.
Tuy nhiên để thực hiện chương trình như vậy phải đòi hỏi có thời gian trong khi chúng ta vẫn phải duy trì năng lực sản xuất, đánh bắt xa bờ của ngư dân. Do vậy, một phần trong gói tín dụng này vẫn để hỗ trợ ngư dân hoán cải các con tàu hiện nay cũng như sửa chữa nâng cấp con tàu hiện nay.
Cũng có ý kiến băn khoăn vì giai đoạn 1997-2006 cũng có một gói hỗ trợ tương tự nhưng ngư dân không được vay và nợ xấu lên tới 80-90%. Giải thích về gói tín dụng này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, đúng là trước đây, nước ta đã có chương trình cho vay đánh bắt xa bờ. Đến nay tổng kết lại chương trình này, nếu đứng dưới góc độ tín dụng trực tiếp từ ngân hàng thì có thể là một chương trình không thành công, vì nợ xấu, nợ quá hạn, nợ cần khoanh chiếm tỷ trọng lớn.
Tuy nhiên, theo Thống đốc, đứng dưới góc độ kinh tế xã hội thì chương trình này cũng có những mặt tích cực rất to lớn. Chính nhờ chương trình này mà nước ta có được đội tàu đánh bắt xa bờ tương đối lớn giúp cho ngư dân có thể bươn chải ra các vùng biển xa đặc biệt là các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Không những giúp việc bảo vệ chủ quyền mà còn nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ đối với ngư dân.
Chính vì vậy, đối với chương trình tín dụng sắp tới là làm sao khắc phục được những yếu kém của chương trình cũ và giúp đạt được định hướng tái cơ cấu lại ngành đánh bắt xa bờ của Việt Nam trong tổng thể tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam.
Khuyến khích xây dựng mô hình liên kết nông nghiệp
Với việc cho vay thí điểm ưu đãi lãi suất đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhiều người cũng đặt câu hỏi, điều kiện nào được vay lãi suất ưu đãi từ chương trình này, Thống đốc cho biết, tất cả các mô hình sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí đó đều có quyền tiếp cận khoản vay này.
Thống đốc nhận định, trong thời gian vừa qua xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi sản phẩm và theo sơ bộ đánh giá của các cơ quan chức năng đây là mô hình hết sức hiệu quả và là mô hình trụ cột cho tái cấu trúc nông nghiệp.
Mô hình này đòi hỏi có sự tham gia của các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, các đối tượng này làm đầu mối liên kết tất cả các công đoạn trong quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu chế biến tiêu thụ.
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học Công nghệ lựa chọn từ 20-30 dự án trọng điểm để tiến hành thí điểm. Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành ký hợp tác cho 4 dự án của tỉnh An Giang với các ngân hàng thương mại và từ nay đến giữa tháng Sáu sẽ ký tiếp 4 dự án khác.
“Chúng tôi cho rằng chương trình thí điểm này nhất định sẽ thành công. Trên cơ sở kết quả chương trình thí điểm này Ngân hàng Nhà nước thể chế hóa để tạo cơ sở pháp lý nhân rộng ra toàn quốc để đáp ứng nhu cầu của các công ty sản xuất nông nghiệp của đất nước theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt,” Thống đốc khẳng định./.