Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tại kỳ họp 2, Quốc hội khóa XV liên quan đến vấn đề nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng.
Tại văn bản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu, vì vậy cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thống đốc đưa ra minh chứng tại cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007, bắt nguồn từ việc trong giai đoạn 2003-2005, các ngân hàng tại Mỹ đã hạ chuẩn cho vay, mở rộng tín dụng đến những người vay không đảm bảo điều kiện vay vốn (người vay dưới chuẩn). Lượng nợ xấu tích tụ khi người vay dưới chuẩn không thể trả nợ sau đó đã khiến nhiều ngân hàng phá sản từ cuối năm 2006, tác động lan truyền trên toàn hệ thống và dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
[Đại dịch COVID lần thứ 4: Nguy cơ gia tăng nợ xấu là hiện hữu]
Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.
“Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục điều hành tiền tệ hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp,” Thống đốc nhấn mạnh.
Bên cạnh việc nới lỏng điều kiện vay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng trả lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, về lãi suất, miễn giảm lãi vay...
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai quyết liệt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ những giải pháp về tín dụng và dịch vụ ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn phù hợp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa; tiếp tục triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Cũng theo văn bản trên, ngay trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước giảm nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành từ 1,5%-2%/năm (thuộc nhóm các ngân hàng Trung ương giảm lãi suất nhanh và mạnh nhất khu vực) và giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất cho vay; các ngân hàng thương mại có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm đối với dư nợ tín dụng của khách hàng hiện hữu chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; bốn ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly toàn xã hội.
Kết quả, tín dụng tăng ngay từ đầu năm và tăng cao hơn so với năm 2020. Tính đến ngày 26/10/2021, tín dụng tăng 8,13% so với cuối năm 2020 và tăng 14,26% so với cùng kỳ năm 2020.
Các tổ chức tín dụng đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bao gồm: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 250.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 540.000 tỷ đồng;
Ngành ngân hàng cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, với dư nợ trên 3,5 triệu tỷ đồng; lũy kế từ 23/01/2020 đến 25/10, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng gần 30.000 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng tương ứng với số phí ngân hàng Nhà nước đã giảm, miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19; miễn phí các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi của ngân hàng chính sách xã hội khi thực hiện chuyển tiền cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc./.