Thống đốc Ngân hàng: Can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

Thống đốc NHNN: Can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lần này đã thiết kế theo hướng huy động nguồn lực hỗ trợ, qua đó tăng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với an toàn hệ thống ngân hàng nói chung.
Thống đốc NHNN: Can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có những giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về giảm giới hạn sở hữu của cổ đông để hạn chế thao túng và sở hữu chéo, việc can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt… tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chiều 10/6.

Ngân hàng ảnh hưởng tạo ra “domino” hệ lụy nền kinh tế

Về điều chỉnh giảm giới hạn sở hữu của cổ đông, của cổ đông và người có liên quan cấp tín dụng cho khách hàng và một khách hàng với người có liên quan, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, dự thảo Luật nhằm mục đích hướng đến hạn chế chống thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng.

Khẳng định dự thảo luật đã mở rộng phạm vi người có liên quan so với những quy định tại Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, bà Hồng cũng thông tin thêm, ở Luật Doanh nghiệp cũng có điều khoản cho rằng là tùy theo tính chất đặc thù mà các luật khác có thể quy định về phạm vi người có liên quan. Với tính chất đặc thù của ngành ngân hàng liên quan đến tiền, Ban soạn thảo đã theo hướng là mở rộng người có liên quan.

Trả lời đến quy định giảm giới hạn về sở hữu của cổ đông để hạn chế chống thao túng và sở hữu chéo có khắc phục triệt để chưa? Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng quy định trong luật phải đi đôi với vấn đề tổ chức thực hiện, bởi hiện thực tiễn sở hữu cổ đông và sở hữu chéo không cho phép.

“Quy định chỉ là 1 cách hạn chế, muốn giải quyết được đòi hỏi công cụ và giải pháp từ nhiều cơ quan liên quan như ngày càng minh bạch hóa cơ sở dữ liệu giao dịch của dân cư, cơ sở dữ liệu giao dịch vốn cổ phần hay giao dịch của doanh nghiệp. Chỉ với quy định này, nếu như các cổ đông thực hiện đúng thì hạn chế được rủi ro ngân hàng, muốn triệt để thì cần có các giải pháp đồng bộ,” Thống đốc chia sẻ thêm.

[Đại biểu Quốc hội: Khó 'điểm mặt, chỉ tên' sở hữu chéo ngân hàng]

Đề cập đến giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng cho khách hàng có làm giảm tổng tín dụng nền kinh tế hay khó khăn cho doanh nghiệp, bà Hồng cho biết với hoạt động ngân hàng Việt Nam, nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng và các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo nếu nhu cầu đầu tư cứ tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bất cứ khi nào kinh tế trong nước có biến động phức tạp ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân thì sẽ ảnh hưởng tới ngân hàng.

“Khi ngân hàng ảnh hưởng sẽ gây ra ‘domino’ hệ lụy nền kinh tế nên đồng bộ với sự phát triển của ngành ngân hàng, các thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phải phát triển và hiện Chính phủ đang có giải pháp để hướng đến điều đó,” bà Hồng nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước giữ vai trò “người cho vay” cuối cùng

Liên quan đến việc can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh đây là một điểm mới ở dự thảo luật lần này. Những quy định này được Ban soạn thảo dự thảo trên cơ sở thực tiễn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thời gian qua, rút tiền hàng loạt của SCB vào tháng 10/2022 và tham khảo sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới.

Lý giải thêm, bà phân tích, với một tổ chức tín dụng được thành lập cấp phép khi đủ tiêu chuẩn hoạt động, do các yếu khách và chủ quan, các tổ chức tín dụng sẽ có thời điểm, giai đoạn gặp khó khăn. Trong quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ cảnh báo rủi ro và để tổ chức tín dụng chấn chỉnh kịp thời. Nếu tổ chức tín dụng có diễn biến xấu hơn, có nguy cơ mất khả năng chi trả cho người dân thì mức độ quản lý của cơ quan quản lý sẽ cần mạnh hơn và thông qua quá trình can thiệt sớm.

[Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ được vay tiền để trả khách hàng]

Trong quá trình can thiệt sớm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm trách nhiệm trước hết là ở các cổ đông, chủ sở hữu ngân hàng có phương án xây dựng khắc phục các khó khăn và cơ quan quản lý sẽ đưa ra các hạn chế trong hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn này cần các giải pháp hỗ trợ.

Thống đốc NHNN: Can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt ảnh 2Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đánh giá luật hiện hành có quy định can thiệp sớm nhưng quy định thời hạn một năm là ngắn và không có biện pháp hỗ trợ nên trong thực tiễn rất khó triển khai, vì vậy, bà Hồng nhìn nhận dự thảo Luật lần này có các giải pháp hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước với vai trò là "người cho vay" cuối cùng khi tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản nhằm đáp ứng yêu cầu chi trả cho người dân nhưng cũng quy định huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác, từ bảo hiểm tiền gửi và từ ngân hàng hợp tác xã.

Huy động nguồn lực giải cứu ngân hàng

Đưa ra thực tế quy định hiện hành bảo hiểm tiền gửi chỉ sử dụng khi tổ chức tín dụng phá sản, tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, kinh nghiệm quốc tế mà đơn cử thực tế từ tình trạng phá sản của một số ngân hàng thương mại Mỹ vừa qua, cơ quan bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện vai trò hỗ trợ.

Đối chiếu vào trường hợp của Ngân hàng SCB bị rút tiền hàng loạt, bà Hồng cho hay bản thân các tổ chức tín dụng cũng có thể chia sẻ và cho vay nhưng luật chưa có quy định cụ thể nên các ngân hàng không dám triển khai vì liên quan đến rủi ro của khoản cho vay này.

"Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lần này đã thiết kế theo hướng huy động nguồn lực hỗ trợ, qua đó tăng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với an toàn hệ thống nói chung và giảm chi phí tài chính cho cơ quan quản lý trong việc xử lý các vấn đề sự cố của các tổ chức tín dụng," bà Hồng nói.

Dẫn giải kinh nghiệm trên thế giới cho thấy không phải chờ đến lúc tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản mới xử lý mà chúng ta cần can thiệp sớm, Thống đốc Hồng cảnh báo nếu chờ đến lúc tổ chức tín dụng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mới thực hiện các giải pháp hỗ trợ thì khó đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục