Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda ngày 16/5 bày tỏ tin tưởng BoJ có thể chấm dứt chương trình kích thích tiền tệ khổng lồ của mình một cách nhẹ nhàng khi tới thời điểm thích hợp.
Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề do tạp chí Wall Street Journal tổ chức tại Tokyo, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết tuy có thể gặp một số vấn đề mang tính thách thức song BoJ có đủ các công cụ để có thể rút lại chương trình kích thích được thực thi thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Kuroda cũng cho biết BoJ “luôn” sẵn khả năng nới rộng chương trình kích thích tiền tệ để đạt mục tiêu lạm phát 2% trong bối cảnh lương và giá cả đã tăng chậm lại khi nền kinh tế có sự cải thiện.
Người đứng đầu BoJ còn cho biết BoJ sẽ không rút khỏi chương trình nới lỏng tiền tệ cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát là 2% - mức được cho là mang tính quyết định để chấm dứt tình trạng giảm phát kéo dài nhiều năm qua và đưa nền kinh tế đình trệ của Nhật Bản trở lại ổn định.
Ông Kuroda cho biết lượng trái phiếu chính phủ sẵn ngoài thị trường để BoJ có thể thu mua còn 60%, xua tan quan ngại của giới phân tích về triển vọng của chương trình kích thích này.
[Xuất khẩu của Nhật Bản không được nhờ nhiều từ đồng yen yếu]
Thống đốc BoJ nói thêm chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tác động trực tiếp tới chính sách tiền tệ của BoJ khi đang theo đuổi mục tiêu lạm phát 2%.
Trong báo cáo theo quý công bố cuối tháng trước BoJ cho biết nền kinh tế Nhật Bản đang chuyển sang tăng trưởng ở mức vừa phải nhờ kinh tế toàn cầu tăng trưởng và nhu cầu trong nước phục hồi.
BoJ dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,6% trong tài khóa 2017 (kết thúc vào tháng 3/2018), và tăng 1,3% trong tài khóa 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019) so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 1 lần lượt là 1,5% và 1,1%.
Các nhà hoạch định chính sách của BoJ hạ dự đoán lạm phát xuống còn 1,4% trong tài khóa 2017, từ mức dự báo 1,5% trước đó./.