Đức đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra và hiện đang trên đà phục hồi.
Đây là tuyên bố được Thống đốc ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Jens Weidmann đưa ra trên báo Frankfurter Allgemeine Zeitung số ra ngày 21/6.
Theo ông Weidmann, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã trải qua những tháng cuối cùng của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, song sau khi trải qua sự sụt giảm lớn, kinh tế đang dần phục hồi trở lại.
[Bundesbank dự báo kinh tế Đức dần phục hồi sau dịch COVID-19]
Thống đốc ngân hàng trung ương Đức cũng ủng hộ các bước đi chưa từng có tiền lệ của chính phủ nước này nhằm giải cứu nền kinh tế cũng như bảo vệ các công ty và việc làm.
Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Đức đã khiến dư luận "choáng váng" khi công bố gói cứu trợ, trị giá 1.100 tỷ euro (khoảng 1.230 tỷ USD) để thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động.
Tiếp đó, đầu tháng này, Berlin cho biết sẽ "bơm" thêm 130 tỷ euro vào các chương trình khác nhau, trong đó có cắt giảm thuế giá trị gia tăng, để kích thích nền kinh tế.
Ông Weidmann cho rằng các động thái trên đã bác lại những bình luận trước đây cho rằng Đức là một nước "tằn tiện."
Cũng như nhiều nước châu Âu khác, Đức đã đóng cửa trường học, cửa hàng và yêu cầu những người lao động phải làm việc ở nhà từ giữa tháng 3 nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Dịch bệnh đã đẩy nền kinh tế Đức rơi vào suy thoái được cho là nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Sau khi mức độ lây nhiễm giảm mạnh, nền kinh tế lớn nhất châu Âu bắt đầu nới lỏng hạn chế vào đầu tháng 5 mặc dù các quy định giãn cách xã hội vẫn được áp dụng và các sự kiện lớn vẫn bị hủy bỏ./.