Song song với các phiên họp toàn thể ở khu trung tâm Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Le Bourgetn (Pháp), mỗi ngày lại diễn ra ngày hàng trăm cuộc họp, tọa đàm, họp báo… của các nước hoặc các nhóm nước nhằm bày tỏ quan điểm cũng như thảo luận về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và về các sáng kiến đã triển khai.
Tại cuộc tọa đàm ngày 8/12 bên lề COP21, Thống đốc bang California Jerry Brown tuyên bố: “Mỹ đang có cuộc nội chiến” về vấn đề khí hậu giữa một bên là những kẻ thu lợi từ khai thác dầu mỏ vốn cho rằng biến đổi khí hậu chỉ là sự giả mạo với một bên là những người bảo vệ môi trường, muốn tiến hành một quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế “xanh."
Ông Brown đã cho thấy những quyết tâm của một nhà quản lý trong việc bảo vệ môi trường tại bang California- bang đông dân nhất nước Mỹ, với 38 triệu người.
Cụ thể, California đã đặt ra mục tiêu tham vọng nhất trong các bang của Mỹ với cam kết đến năm 2030 sẽ giảm khí phát thải từ các nhà máy điện xuống còn 40% so với năm 1990.
Bên cạnh đó, trong cùng thời gian này, 50% sản lượng điệ tại đây sẽ đến từ năng lượng tái tạo.
Thống đốc Brown cũng cho biết bang California cùng bang Baden-Württemberg của Đức đã nhất trí đề xuất một hiệp ước toàn cầu có tên “Theo biên bản ghi nhớ số 2” (Under 2 MOU), trong đó các bên tham gia ký kết là các vùng, các thành phố, các tác nhân không thuộc khu vực nhà nước cam kết giữ mức tăng nhiệt không quá 2 độ C bằng cách duy trì lượng khí thải carbon bình quân đầu người là 2 tấn mỗi năm, thấp hơn nhiều so với lượng khí thải 11 tấn mỗi năm hiện nay tại bang California.
Theo ông Brown, tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra tại California vào những năm 1950-1960 của thế kỷ 20 đã buộc Tổng thống Mỹ khi đó là ông Richard Nixon ban hành Đạo luật Không khí sạch vào thập niên sau đó, đồng thời trao quyền riêng cho Thống đốc bang California thiết lập tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về khí thải đối với xe hơi tại đây.
Khi vấn đề biến đổi khí hậu gây nhiều lo ngại, Thống đốc bang lại được sử dụng quyền hạn riêng này, theo đó, ông Brown đã chủ động đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn ô nhiễm không khí tại bang, trong đó có việc từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch; sử dụng tới 40% ôtô điện để thay thế dần các phương tiện chạy bằng xăng. Với cách làm đó, người dân California đã đi từ kiểm soát ô nhiễm sang kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thống đốc Jerry Brown cho rằng những gì California đang làm không phải là một ngoại lệ và điều đó sẽ trở thành chuẩn mực cho các bang khác tại Mỹ./.