Thông điệp của giới trẻ người Việt tại Thụy Sĩ trước COVID-19

Tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn (Thụy Sĩ) - thành viên Ban chấp hành Hội thanh niên Việt Nam tại Thụy Sĩ đã có những chia sẻ về những tác động của dịch bệnh tới cộng đồng người Việt Nam.
Một khách du lịch đeo khẩu trang được nhìn thấy trước Tòa nhà Quốc hội Thụy Sĩ vào ngày 13/3/2020, tại Bern. (Nguồn: AFP)

Kể từ khi Thụy Sĩ xác nhận ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên vào ngày 25/2, số trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) liên tục gia tăng.

Mặc dù Thụy Sĩ trong những ngày gần đây tiến hành các biện pháp quyết liệt như bang Geneva đóng cửa các quán bar, nhà hàng, các cơ sở tôn giáo, cấm các hoạt động tụ tập trên 5 người ở trong nhà và ngoài trời, song số ca mắc COVID-19 tại nước này vẫn tiếp tục tăng nhanh.

Tính đến ngày 20/3, số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Thụy Sĩ đã tăng lên trên 4.800 và số trường hợp tử vong đã lên tới 43 ca.

Phóng viên TTXVN tại Geneva đã có buổi phỏng vấn tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn (Công ty Move Digital AG, Thụy Sĩ) - thành viên Ban chấp hành Hội thanh niên Việt Nam tại Thụy Sĩ về những tác động của dịch bệnh tại đây tới cộng đồng người Việt Nam, cũng như những tâm tư mà cộng đồng người Việt Nam muốn gửi gắm về quên hương.

- Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát nhanh tại Thụy Sĩ, tiến sỹ có thể cho biết một số ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ tại Zurich?

Tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn: Thống kê mấy ngày qua cho thấy Thụy Sĩ là một trong những nơi có người bị lây nhiễm Viris Covid-19 khá nhanh, đứng thứ 2 trên thế giới về mật độ người nhiễm trong tổng số dân cư. Trung bình mỗi ngày số người lây nhiễm tăng trung bình 20-30%. Mọi công dân Thuỵ Sĩ phải chấp hành khuyến cáo chính phủ, các trường học đã đều đóng cửa, các hoạt động vui chơi giải trí tụ tập đông người bị cấm. Hơn 8.000 binh sỹ đã được huy động để hỗ trợ chính phủ. Mọi người phải học tập hay làm việc từ xa nếu điều kiện học tập, làm việc cho phép.

Đợt dịch này ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch dịch vụ khách sạn, nhà hàng nên cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho cộng động người Việt Nam đang tham gia trong lĩnh vực này và các em du học sinh đang thực tập trong ngành quản lý khách sạn. Với những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thì làm việc từ xa đã thành thói quen nên không gặp phải nhiều vấn đề, nhưng các khó khăn về doanh thu doanh nghiệp, khách hàng hủy hợp đồng, thị trường tài chính lao dốc đang là thách thức lớn cho các bạn trẻ đang phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.

- Tiến sỹ có thể giới thiệu mô hình làm việc từ xa, chia sẻ thông tin, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau tại Thụy Sĩ trong bối cảnh dịch bệnh?

Tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn: Mặc dù dịch phát triển khá nhanh ở Thụy Sĩ, tôi thấy mọi người vẫn khá bình tĩnh, chuyên nghiệp khi giải quyết vấn đề. Lấy ví dụ học sinh ở làng tôi, cuối tuần nhận được thông báo nhà trường đóng cửa thì 2 hôm sau học sinh đã nhận được phong bì tài liệu nhà trường gửi để học ở nhà. Phụ huynh nhận được email hướng dẫn cài đặt phần mềm hỗ trợ cho trẻ học online.

Các hướng dẫn qua tài liệu, Youtube được các thầy cô chuẩn bị rất đầy đủ cho học sinh. Có những hôm nhận được email lúc gần nửa đêm tôi thấy các thấy cô giáo nơi đây phải nỗ lực thế nào để giúp việc giáo dục các em nhỏ không bị ngắt quãng. Chỉ sau 3 ngày phải ở nhà nhìn các em khoảng hơn 10 tuổi, đúng 9h sáng bật máy tính lên, trao đổi với với bạn bè, cô giáo chuyên nghiệp như bố mẹ làm việc ở nhà tôi thấy rất cảm động và tự tin hơn khi cơn khủng hoảng đang diễn ra.

[Phái đoàn Việt Nam tại Thụy Sĩ lên kế hoạch hỗ trợ người Việt]

Các công cụ trò chuyện, hội họp, làm việc trực tuyếnđược tận dụng tối đa. Ví dụ các nền tảng như Microsoft Team, Zoom, Google Hangout được nhiều nơi tận dụng để họp hành, chia sẻ tài liệu, chia sẻ cả quyền điều khiển máy tính để làm cùng nhau. Các công cụ như Google Form, Google Sheet rất hữu ích cho việc thu thập thông tin, giáo viên dùng kiểm tra kiến thức học sinh, chia sẻ dữ liệu công việc. Qua đây mới thấy hạ tầng viễn thông là cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này.

Trang Web của Phòng Y Tế Liên bang của Thụy Sĩ (Bunderamt fur Gesundheit) có lúc không truy cập được có lẽ vì chưa chuẩn bị tình huống quá tải như hiện nay. Một số công ty lớn bị tê liệt hệ thống giao tiếp online vì chưa bao giờ chuẩn bị tình huống hầu hết nhân viên làm việc ở nhà.

Sự động viên hỗ trợ nhau, nhưng hành xử một cách chuyên nghiệp trong giai đoạn này rất quan trọng. Khi tôi đi mua hàng, nhìn mọi người xếp hàng cách nhau đúng 1,5m như khuyến cáo. Các vật dụng, dấu hiệu giữa khoảng cách tại các nơi công cộng được dựng lên. Một số hành động đẹp như vào buổi trưa 20/3 đồng loạt tất cả mọi người ở Zurich ra ngoài ban công nhà vỗ tay động viên những y, bác sỹ và những tình nguyện viên đã cống hiến rất nhiều khi dịch bệnh đã diễn ra. Thật cảm động và biết ơn sâu sắc tất cả các bác sỹ, y tá - những người đối mặt tuyến đầu cứu chữa mọi người chống trả COVID-19.

- Từng nhiều năm gắn bó với Hội thanh niên Việt Nam tại Thụy Sĩ, tiến sỹ có thể cho biết thông điệp và tâm tư của các bạn trẻ sinh viên về tình hình nước nhà và nước sở tại sau khi nhận được những khuyến cáo của Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Thụy Sĩ trước những diễn biến mới về đại dịch COVID-19?

Tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn: Tôi rất trân trọng các thông tin mà Đại sứ quán Việt Nam tại Bern và Phái đoàn ngoại giao tại Geneve khuyến cáo và gửi tới cộng đồng.

Ví dụ Đại sứ quán liên tục có các thông báo về các chuyến bay về nước có người nhiễm bệnh để công dân lưu ý, khuyến cáo các em khi chọn phương án về nước trong giai đoạn này vì có khả năng bị tắc lại nơi trung chuyển, lập danh sách sinh viên du học sinh các trường để liên lạc thông báo nếu có tình huống khẩn cấp.

Thông tin liên lạc cá nhân của cán bộ phụ trách cộng đồng được cung cấp để du học sinh liên hệ nếu thực sự khó khăn cần hỗ trợ. Các bạn du học sinh cũng hồi đáp khá nhanh các khuyến cáo của Cơ quan đại điện khi có hơn 100 bạn du học sinh của hơn 20 trường tại Thụy Sĩ cung cấp thông tin cá nhân và làm đầu mối truyền thông tin cho cộng đồng khi cần. Có bạn du học sinh đang ở Việt Nam vẫn rất nhiệt tình hỗ trợ trong việc chuyển thông tin đến cộng đồng bên này.

Về luồng ý kiến của anh chị em cũng có nhiều chiều, ban đầu nhìn vào con số lây nhiễm nhỏ và hệ thống chăm sóc y tế tốt ở Thuỵ Sĩ cũng nghĩ là tình hình không quá nghiêm trọng, nhưng những diễn biến gần đây có xu hướng giống với tình hình của Vũ Hán (Trung Quốc) và Italy thì bắt đầu có sự thận trọng hơn. Đến thời điểm hiện tại (ngày 20/3) mọi người đều khẳng định Chính phủ Việt Nam đã làm tốt để ngăn chặn dịch bùng phát ở Việt Nam...

Đã coi "dịch là giặc" thì mỗi con người phải là một chiến sĩ, phải luôn rèn luyện thể lực bản thân, rất kỷ luật chấp hành các khuyến cáo. Bên cạnh đó đừng để tâm lý "chờ đợi bệnh dịch qua đi" mà hạn chế khả năng chuyển đổi, nỗ lực học tập của doanh nghiệp, bản thân mình vì kể cả bệnh dịch qua đi thì vẫn để lại sự khủng hoảng về kinh tế, xã hội, nên phải cố gắng vượt qua thôi.

Về phía bản thân, tôi nghĩ đây là giai đoạn đặc biệt của Việt Nam, của toàn cầu, nên mỗi cá nhân hãy có thái độ "đặc biệt" cho nó ngay cả khi nó chưa chạm trực tiếp tới mình. Hãy đặt cái "tôi" của mình sang một bên, bao dung rộng lượng với nhau hơn và xử lý mọi tình hưống cẩn trọng chính xác hơn, có ý thức trong từng hành động, lời ăn tiếng nói dù là trên môi trường ảo như mạng xã hội.

Khủng hoảng cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm cho hạ tầng thông tin, dữ liệu, văn hoá cư xử, dùng mạng xã hội… Đây là thách thức, bài kiểm tra giúp hạ tầng, năng lực xử lý thông tin của Việt Nam mạnh mẽ hơn, bền vững hơn để qua đợt dịch sẽ là nền tảng vững chắc cho xã hội phát triển trong kỷ nguyên số. Thông tin chính xác, kịp thời là một trong những chìa khoá giải quyết đợt khủng hoảng này và có thể còn xảy ra trong tương lai!

Xin trân trọng cảm ơn!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục