Thông cáo của Bộ GTVT về sự cố đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Bộ Giao thông Vận tải vừa chính thức phát đi thông cáo báo chí trong đó yêu cầu làm rõ nguyên nhân, khắc phục sự cố để đảm bảo an toàn giao thông.
Thông cáo của Bộ GTVT về sự cố đường sắt Cát Linh-Hà Đông ảnh 1Hiện trường sự cố sụt xà mũ nhà ga tại công trường đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Sơn Bách-Việt Phương/Vietnam+)

Liên quan đến sự cố sụt xà mũ của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải vừa chính thức phát đi thông cáo báo chí trong đó yêu cầu làm rõ nguyên nhân, khắc phục sự cố để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo đó, vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm nay (28/12), tại Lý trình Km7+703,600-Km7+798,400-vị trí ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông đã xảy ra sự cố trong quá trình đổ bê tông thi công xà mũ trụ H7, hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ H7 bị sụt xuống đường.

[80 tấn bê tông tươi đổ sập khi 9 công nhân đang làm việc]

“Tuy nhiên, sự cố không xảy ra thương tích về người,” thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có mặt tại hiện trường để xử lý khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, đơn vị thi công, Tổng thầu và Tư vấn Giám sát cùng các bên có liên quan tiến hành xử lý ngay hiện trường để tìm nguyên nhân, khắc phục sự cố; phối hợp với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phân luồng cho người dân đi lại đồng thời khẩn trương thu dọn hiện trường để đảm bảo giao thông.

Hiện nay, giao thông khu vực này người dân đi lại bình thường.

Như Vietnam+ đưa tin, vụ sập giàn giáo công trình xây dựng xảy ra tại khu vực đối diện khách sạn Cầu Am 2, quận Hà Đông, Hà Nội. Một xe taxi đang lưu thông trên đường bị đè sập xuống.

[Tài xế taxi kinh hoàng kể lại vụ giàn giáo đổ sập lên đầu xe]

Tại phần giàn giáo bị sập, theo quan sát, còn rất nhiều bê tông chưa khô. Thông tin ban đầu cho biết đêm qua lực lượng thi công tiến hành đổ bê tông, khi đang tiến hành thì xảy ra sự cố.

Sau đó, toàn bộ hiện trường sập giàn giáo đã được che kín. Toàn bộ dầm chắn ngang trên đường sắt trên cao vắt qua 2 chiều đường Trần Phú đã sập thẳng xuống phía dưới. Một phần trụ bị sập vẫn nhô lên đường trên cao và có dấu hiệu gãy gập.

Tuy nhiên, theo phóng viên, vào khoảng 10 giờ 55 phút, ngay tại tại hiện trường giàn giáo đổ nát này, lại xảy ra cháy trong khi các lực lượng chức năng đang tiến hành bốc dỡ các vật liệu. Hiện công tác dập lửa đang được tiến hành trong khi khói bốc lên nghi ngút tại hiện trường.

[Lại xảy ra cháy trên công trường bị sập giàn giáo ở Hà Đông]

Trước đó, vào ngày 6/11/2014, tại khu vực thi công xây dựng nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, trong quá trình cẩu thép cây để thi công kết cấu phần trên ga Thanh Xuân III đã xảy ra sự cố làm một người điều khiển xe môtô bị tử nạn và hai người dân bị thương.

Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã tạm dừng thi công trên toàn bộ dự án để rà soát, thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động, an toàn thi công và hướng dẫn giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát dự án phải chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn, đặc biệt có thể xem xét khởi tố vụ án nếu có thể.

[Tai nạn ở công trường đường sắt đô thị: Hàng loạt đơn vị bị kỷ luật]

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình giao thông trên cả nước, không để xảy ra những vụ việc tai nạn tương tự, trong quá trình thi công phải có biện pháp bảo vệ thi công cho công trình, đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.

Bộ trưởng cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ kiểm tra các công trình giao thông trên địa bàn về công tác đảm bảo an toàn giao thông, tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng, tăng cường tổ chức phân luồng từ xa qua các khu vực thi có công trường giao thông./.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao thuộc tuyến số 2 trong 8 tuyến được quy hoạch của Hà Nội, chiều dài 13km. Tuyến đường sẽ đi từ nút giao Cát Linh-Giảng Võ, đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.

Dự án được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, có chiều dài toàn tuyến 13,5km với 12 ga. Tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Nhà thầu EPC của dự án là Công ty xây dựng Hải ngoại-Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.

Theo yêu cầu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đến tháng 10/2015 phải đưa dự án vào chạy thử, để đến ngày 31/12/2015 phải đưa tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào khai thác thương mại.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục