Thông cáo báo chí số 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

Ngày 9/1 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư, cũng là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Thông cáo báo chí số 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 9/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư, cũng là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng, nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về các nội dung: (1) Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; (2) Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết của năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương; chuyển nguồn kinh phí công tác phòng chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, sử dụng hiệu quả ngân sách và đảm bảo các thủ tục để quyết toán ngân sách.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế về quản lý viện trợ không hoàn lại, quản lý chi đầu tư và quản lý vốn vay; nghiêm túc rút kinh nghiệm để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước, nhất là việc quản lý đối với các lĩnh vực cơ chế đặc thù, quản lý các nguồn vốn vay và viện trợ.

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

[Kỳ họp bất thường: Triển khai mục tiêu, nhiệm vụ bằng giải pháp căn cơ]

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: có 473 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,36% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 468 đại biểu tán thành (bằng 94,35% tổng số đại biểu Quốc hội); có 4 đại biểu không tán thành (bằng 0,81% tổng số đại biểu Quốc hội); có một đại biểu không biểu quyết (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự phiên bế mạc Kỳ họp.

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Kết quả như sau: có 489 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 98,59% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 449 đại biểu tán thành (bằng 90,52% tổng số đại biểu Quốc hội); có 29 đại biểu không tán thành (bằng 5,85% tổng số đại biểu Quốc hội); có 11 đại biểu không biểu quyết (bằng 2,22% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 25, Điều 104, Điều 11 và toàn bộ Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả như sau:

- Về Điều 25 quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia: có 481 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,98% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 382 đại biểu tán thành (bằng 77,02% tổng số đại biểu Quốc hội); có 79 đại biểu không tán thành (bằng 15,93% tổng số đại biểu Quốc hội); có 20 đại biểu không biểu quyết (bằng 4,03% tổng số đại biểu Quốc hội).

Thông cáo báo chí số 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

- Về Điều 104 quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh: có 482 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,18% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 418 đại biểu tán thành (bằng 84,27% tổng số đại biểu Quốc hội); có 31 đại biểu không tán thành (bằng 6,25% tổng số đại biểu Quốc hội); có 33 đại biểu không biểu quyết (bằng 6,65% tổng số đại biểu Quốc hội).

- Về Điều 11 quy định về quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh: có 471 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,96% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 381 đại biểu tán thành (bằng 76,81% tổng số đại biểu Quốc hội); có 55 đại biểu không tán thành (bằng 11,09% tổng số đại biểu Quốc hội); có 35 đại biểu không biểu quyết (bằng 7,06% tổng số đại biểu Quốc hội).

- Về toàn bộ Luật: có 473 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,36% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 386 đại biểu tán thành (bằng 77,82% tổng số đại biểu Quốc hội); có 51 đại biểu không tán thành (bằng 10,28% tổng số đại biểu Quốc hội); có 36 đại biểu không biểu quyết (bằng 7,26% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: có 485 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97,78% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 480 đại biểu tán thành (bằng 96,77% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,40% tổng số đại biểu Quốc hội); có 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,60% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục