Thông cáo báo chí số 3 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Ngày 23/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Quang cảnh phiên họp sáng 23/10. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thứ Tư, ngày 23/10/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tại phiên thảo luận có 26 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 2 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận; trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; bảo đảm lợi ích tốt nhất; đối xử bình đẳng; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; áp dụng hình phạt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân; quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch; việc trợ giúp của người làm công tác xã hội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; trách nhiệm của gia đình; nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; điều kiện áp dụng; thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng; xem xét việc áp dụng thủ tục xử lý chuyển hướng; quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng; quản thúc tại gia đình; hạn chế khung giờ đi lại; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; xây dựng báo cáo điều tra xã hội; giải quyết trường hợp Tòa án không áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; giải quyết trường hợp người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, học sinh trường giáo dưỡng bỏ trốn; phạt tiền; việc thi hành án phạt tù; tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội; áp dụng biện pháp giám sát điện tử; tách vụ án hình sự có người chưa thành niên; thủ tục xét xử thân thiện; xem xét dấu vết trên thân thể, trưng cầu giám định; bồi thường cho người chưa thành niên là bị hại; điều kiện cơ sở vật chất của trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam; hiệu lực thi hành.

Kết thúc thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp chiều 23/10. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).Tại phiên thảo luận có 17 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, một lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ, cụ thể ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật.

Các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; sở hữu di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; danh sách, danh mục và tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung về di sản văn hóa phi vật thể; ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; tiêu chí nhận diện di tích theo loại hình; hoạt động phát huy giá trị di tích; xếp hạng và hủy bỏ xếp hạng di tích; khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; di tích, di sản liên tỉnh; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới; người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích; dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước; bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; kiểm kê di sản tư liệu và Danh mục kiểm kê di sản tư liệu; ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh di sản tư liệu; nhiệm vụ của bảo tàng; hoạt động truyền thông của bảo tàng; hoạt động dịch vụ của bảo tàng; cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; thanh tra di sản văn hóa; nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; việc bảo tồn di sản của các dân tộc thiểu số, quy định chuyển tiếp.

Kết thúc thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam).

Thứ Năm, ngày 24/10/2024, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Dữ liệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục