Theo Huffingtonpost, Việt Nam đã trở thành nơi thu hút các nhãn hiệu “thời trang nhanh” quốc tế nhờ dân số trẻ và dồi dào cũng như thu nhập đang gia tăng nhanh chóng của người dân.
Nhãn hiệu thời trang toàn cầu H&M đã khai trương cửa hàng đầu tiên của mình tại trung tâm thương mại Vincom Center ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9/9 vừa qua.
Hơn 4.000 khách hàng đã xếp hàng để được tham dự buổi khai trương cửa hàng đầu tiên của H&M ở Việt Nam, thu hút được rất nhiều sự chú ý.
Trang tin VnExpress đưa tin vào ngày 20/9 rằng cách đây 1 năm, nhãn hiệu đối thủ của H&M là Zara cũng đã khai trương một cửa hàng ngay bên cạnh cửa hàng của H&M.
Ngoài ra, các nhãn hiệu thời trang nhanh toàn cầu như Uniqlo, Topshop và Mango cũng đang nhanh chóng mở cửa hàng tại Việt Nam.
Cụm từ “thời trang nhanh” là để chỉ các nhãn hiệu thời trang sản xuất hàng loạt và kinh doanh các mẫu quần áo giá rẻ bằng việc sao chép các xu hướng mới nhất.
Việt Nam vốn được nhiều người biết đến như một nước sản xuất chứ không phải tiêu thụ hàng may mặc. Việt Nam là một trong 5 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu; các mặt hàng dệt may đóng góp khoảng 10% GDP quốc gia.
Vì chi phí nhân công ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, một số nhà sản xuất hàng may mặc hàng đầu của thế giới, chẳng hạn như Pierre Cardin và Aoyama Trading của Nhật Bản, đang làm việc với các công ty địa phương để biến Việt Nam thành cơ sở sản xuất các mặt hàng thời trang của họ.
Nhưng gần đây, chiều hướng này đã thay đổi hoàn toàn ngược lại khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng và GDP bình quân đầu người đạt 2300 USD, chuyên san Nikkei Asian Review cho biết.
[Sau Zara, H&M và Uniqlo cũng sắp đổ bộ vào thị trường Việt Nam]
Sức mua, chứ không phải xuất khẩu, của Việt Nam đã gây được sự chú ý đối với các nhãn hiệu thời trang nhanh trên toàn cầu.
Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng tập trung hơn vào chất lượng thay vì giá cả do sự gia tăng thu nhập và sức mua bình quân đầu người.
Tỷ lệ người trẻ cao trong dân số Việt Nam cũng là một lý do quan trọng giải thích vì sao các nhãn hiệu thời trang nhanh toàn cầu lại để mắt tới thị trường Việt Nam.
Những người trẻ từ 15 đến 35 tuổi chiếm 1/3 dân số Việt Nam. Họ rất quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình, nhận thức tốt về các xu hướng mới nhất trên thế giới thông qua mạng xã hội và có nhu cầu mua sản phẩm của các nhãn hiệu may mặc nước ngoài.
Thùy Linh, 26 tuổi, một nhân viên PR của công ty tư vấn hàng đầu Việt Nam Le & Brothers, là một người rất đam mê các xu hướng mới và dành ra khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng để mua mỹ phẩm và quần áo.
Linh thích theo dõi các fashionista (những người yêu thích, am hiểu thời trang, ăn mặc đẹp) để đi theo phong cách thời trang của họ.
“Những bộ trang phục của H&M và Zara phù hợp với tôi vì các thiết kế của họ đơn giản và tương đối kín đáo,” Linh nói.
Lê Thái Sơn, một doanh nhân trong lĩnh vực thực phẩm và giải trí, cũng rất thích mặc trang phục của Zara. Sinh ra vào cuối những năm 1990, Sơn cho biết: “30% tủ quần áo của tôi là đồ của Zara và cũng có một vài sản phẩm của H&M nữa.”
Trước đây, Sơn thường mua các sản phẩm này khi đi nước ngoài, hoặc đặt hàng trực tiếp từ các nhãn hiệu. “Lần tới đi công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhất định tôi sẽ tới cửa hàng H&M và Zara.”
Giá của các sản phẩm mang nhãn hiệu thời trang nhanh cao hơn đôi chút so với các sản phẩm may mặc ở địa phương. Tuy nhiên, đối với những người trẻ tuổi có công việc ổn định như Linh và Sơn, giá cả các món đồ của H&M và Zara không quá đắt đỏ.
Dựa trên sự phổ biến trong giới trẻ, các nhãn hiệu thời trang nhanh trên toàn cầu đang thâm nhập trực tiếp vào thị trường Việt Nam mà không qua các bên trung gian thứ ba./.