Theo một phân tích của hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, có trụ sở tại Mỹ, thời tiết nắng nóng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân và đe dọa đến các vùng sản xuất lương thực toàn cầu vào năm 2045 khi Trái Đất nóng lên.
Biến đổi khí hậu đã thúc đẩy các đợt nắng nóng và những hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới. Các đợt nắng nóng từ Ấn Độ đến châu Âu trong năm nay được dự báo sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Nhiệt độ tăng đột biến đang gây ra mối lo ngại về sức khỏe đối với những người làm việc ngoài trời trong điều kiện oi bức và tình hình trở nên đặc biệt nguy hiểm khi độ ẩm cao.
Theo phân tích của Verisk Maplecroft, tình trạng nắng nóng đã gây ra "rủi ro cực độ" đối với nền nông nghiệp ở 20 quốc gia, bao gồm cả quốc gia nông nghiệp khổng lồ Ấn Độ.
Dự kiến, trong những thập kỷ tới, mối đe dọa đối với 64 quốc gia, đóng góp 71% sản lượng lương thực toàn cầu, trong đó có các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mỹ sẽ ngày càng tăng.
[Hạn hán nghiêm trọng gây áp lực lên giá lương thực toàn cầu]
Will Nichols, quản lý cấp cao tại Verisk Maplecroft, nhận định sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu cũng ảnh hưởng đến cây trồng tại các nước ôn đới, trong đó cây lúa đặc biệt đối mặt với rủi ro.
Ấn Độ - sản xuất 12% sản lượng lương thực toàn cầu trong năm 2020 và phụ thuộc nhiều vào năng suất lao động ngoài trời, đối diện với nguy cơ cực cao. Theo ông Nichols, điều đáng lo ngại là người dân ở các vùng nông thôn dễ bị tổn thương hơn nhiều do những đợt nắng nóng trong tương lai.
Vấn đề trên không những ảnh hưởng đến năng suất và hoạt động xuất khẩu mà còn tác động mạnh đến bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia, thậm chí là sự ổn định chính trị. Đến năm 2045, danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng còn kéo dài hơn nữa.
Chín trong số 10 quốc gia chịu thiệt hại hàng đầu vào năm 2045 là các nước châu Phi, trong đó, Ghana, nhà sản xuất ca cao lớn thứ hai thế giới cũng như Togo và Cộng hòa Trung Phi đối mặt với rủi ro lớn nhất.
Bên cạnh đó, 20 quốc gia đối diện với nguy cơ cao nhất trong những thập kỷ tới là các nhà xuất khẩu gạo lớn của Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan và Việt Nam./.