Thời khắc "buồn" của mô hình “thắt lưng buộc bụng” ở châu Âu

Bộ trưởng Tài chính tương lai của Đức là Christian Lindner đã bày tỏ sự đồng thuận với ý tưởng rằng Đức có thể tiếp tục rời bỏ mô hình “thắt lưng buộc bụng” sau cuộc khủng hoảng COVID-19
Người dân mua hàng hóa trong siêu thị tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang điện tử Insideover (phiên bản tiếng Italy), Bộ trưởng Tài chính tương lai của Đức là Christian Lindner đã bày tỏ sự đồng thuận với ý tưởng rằng Đức có thể tiếp tục rời bỏ mô hình “thắt lưng buộc bụng” sau cuộc khủng hoảng COVID-19 và sẵn sàng ủng hộ sự linh hoạt trong các Hiệp ước châu Âu.

Quan điểm này là hợp lý khi xét đến các dữ liệu liên quan lĩnh vực xuất khẩu của Đức, trong đó nước này không muốn chứng kiến thị trường đầu ra bị suy giảm.

Mặt khác, quan điểm này còn thể hiện sự phủ định đối với chính sách tài chính khắc khổ, mà những người vốn nhiệt thành hô hào thúc đẩy dường như đang đồng loạt rút dần khỏi sân khấu.

Quan điểm của Đức gây bế tắc cho phe "diều hâu"

Với kế hoạch sửa đổi Hiệp ước ổn định của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến được bắt đầu vào tháng 2/2022, Italy và các nước thành viên ở Địa Trung Hải ủng hộ chính sách nới lỏng tài chính đứng trước cơ hội quý giá.

Đó là lợi dụng luồng gió thuận chiều đang thổi qua “Lục địa già,” với sự hậu thuẫn của Thủ tướng Đức Angela Merkel và người kế nhiệm, để thế chỗ những thành phần ủng hộ chính sách thắt chặt tài chính và thúc đẩy thỏa hiệp thuận lợi hơn.

Thông qua đó, các nước này có thể nới rộng không gian chật chội, mà trong đó những quy định khắc khổ là 3% thâm hụt ngân sách/GDP và 60% nợ công/GDP mặc dù được tạm thời ngừng áp dụng trong bối cảnh đại dịch nhưng sắp quay lại đầy đủ như trước đây.

Những nhân vật phe "diều hâu" (những người ủng hộ thắt chặt ngân sách) đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Bundesbank Jens Weidmann, một người hết mực ủng hộ chính sách thắt chặt tài chính đã từ chức hồi tháng 10 vừa qua. Thay vào đó, chính phủ mới của Đức trong tương lai có thể sẽ lựa chọn một nhân vật ít hà khắc hơn.

Hà Lan: Thủ tướng Rutte đối mặt với nhiều khó khăn

Trong suốt 11 tháng qua, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tìm cách đàm phán thành lập chính phủ mới. Trên thực tế, Chính phủ của ông Rutte đã từ chức kể từ ngày 15/1/2021 sau những bê bối liên quan một số bộ trưởng. Mặc dù giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi tháng Ba, Đảng Tự do vẫn chưa thể thành lập được một liên minh đủ khả năng phục hồi hoạt động và duy trì cân bằng trong nội bộ chính phủ liên minh.

[Ủy ban châu Âu tăng cường bảo vệ chống lại sự ép buộc kinh tế]

Tờ Netherlands Times gần đây trích dẫn các nguồn tin chính trị Hà Lan, cho rằng ít khả năng chính phủ mới của nước này được thành lập trước Giáng Sinh, qua đó sẽ kéo dài cuộc khủng hoảng chính phủ thậm chí vượt ngưỡng 1 năm.

Trên phạm vi châu Âu, Thủ tướng Rutte ra sức bảo vệ thành lũy của những người ủng hộ thắt chặt tài chính với tư cách là vị thủ tướng lâu năm nhất ở châu Âu (sau khi Thủ tướng Đức Merkel mãn nhiệm).

Những nhân vật hàng đầu trong phe “"diều hâu"” tại Áo bị loại bỏ

Tình hình bất ổn tại Áo trầm trọng hơn khi cựu Thủ tướng Sebastian Kurz rời chức lãnh đạo Đảng Nhân dân Áo (OVP) cũng các hoạt động chính trị. Ngày 6/12, chỉ 45 ngày kể từ khi được bầu làm Thủ tướng, ông Alexander Schallenberg quyết định quay lại vai trò Ngoại trưởng mà ông từng nắm giữ trong chính phủ của ông Kurz (từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021).

Cùng với đó, chức Thủ tướng được nhường lại cho Bộ trưởng Nội vụ Karl Nehammer, cũng là lãnh đạo mới của đảng OVP.

Những bước đi này nhằm đưa chính trường Áo thoát khỏi khủng hoảng, đồng thời tiến hành cuộc cải tổ sâu rộng trong liên minh OVP với đảng Xanh. Theo đó, sự thay đổi quan trọng nhất đã diễn ra trong lĩnh vực tài chính.

Tân thủ tướng Nehammer đã từng bước loại bỏ những người thân tín của ông Kurz cũng như chiến lược kết nối Áo với các đồng minh theo đuổi chính sách thắt chặt tài chính ở châu Âu.

Với sự ưu tiên hướng nội, giải quyết nhu cầu ứng phó đại dịch và giảm bớt "nỗi khổ của người dân," ông Nehammer đã công kích vào "chiến lược gia phe "diều hâu""của ông Kurz là Gernot Blumel.

Hồi tháng 6/2021, ông Blumel từng cảnh báo "châu Âu sẽ không trở thành một liên minh nợ" và cho rằng "tạo thêm nợ là điều nguy hiểm, ngay cả với mức lãi suất thấp," "các nước như Pháp hay Italy muốn loại bỏ các tiêu chí Maastricht. Đó là điều đáng báo động từ quan điểm kinh tế và đạo đức."

Tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính nhóm các quốc gia EU sử dụng đồng euro (Eurogroup) vào tháng Chín, ông Blumel kêu gọi các đồng minh phối hợp nêu yêu cầu trở lại áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng sau thời gian khủng hoảng.

Trong một văn bản với sự đồng thuận của các đồng nghiệp đến từ Thụy Điển, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Latvia và Cộng hòa Czech, ông Blumel khẳng định: Các hiệp ước của EU nhắc nhở mọi thành viên về sự cần thiết phải giảm thâm hụt ngân sách và đây vẫn là mục tiêu chung ngay cả sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Việc ông Blumel "rời khỏi sân khấu" đã khép lại một giai đoạn mà Áo đóng vai trò trung tâm trong việc kiềm chế các kế hoạch chính trị của phe chống thặt chặt tài chính châu Âu.

Sự bất trắc trên chính trường Thụy Sỹ

Nhân vật cuối cùng trong bức tranh tổng thể đầy biến động của phe "diều hâu" trên lĩnh vực tài chính châu Âu là Magdalena Andersson, người trở thành tân Thủ tướng Thụy Điển từ ngày 30/11 vừa qua. Trong 7 năm tham gia chính phủ của cựu Thủ tướng Stefan Lofven, bà Andersson tích cực ủng hộ "Liên minh Hanseatic mới" với tư cách là một trong những người ủng hộ chính sách khắc khổ ở phương Bắc.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước không hề dễ dàng đối với nữ Thủ tướng đầu tiên của Thụy Điển, vì hiện bà đang phải điều hành một chính phủ thiểu số. Trước đó không lâu, vào ngày 24/11, bà đã được Vua Carl Gustav XVI trao quyền thành lập chính phủ nhưng ngay sau đó đã từ chức khi dự luật ngân sách của phe đối lập được Quốc hội nước này thông qua, dẫn đến việc chính phủ vừa mới thành lập bị giải tán.

Những người theo quan điểm thắt chặt tài chính hiện không có sự lãnh đạo thực sự và đang đối mặt nhiều khó khăn để có thể liên minh với nhau. Ngược lại, các nước ở khu vực Địa Trung Hải lại nổi bật về sự ổn định của tình hình chính trị trong nước.

Thủ tướng Pedro Sánchez, một thành viên xã hội chủ nghĩa ở Tây Ban Nha và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, thuộc phe bảo thủ đều trong tư thế vững vàng. Tại Italy, Thủ tướng Mario Draghi có sự ủng hộ của một liên minh đa số. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mặc dù đối mặt không ít khó khăn, nhưng vẫn có thể trông cậy vào quyền lực sẵn có trên cương vị Tổng thống để tham gia các cuộc đàm phán châu Âu.

Cơ hội mở ra với sự đảo ngược vị thế chính trị tại các thành viên EU ngay trước thềm quá trình sửa đổi các Hiệp ước châu Âu là điều kiện rất quan trọng. Phe "diều hâu" đang đứng trước giờ khắc đen tối nhất, còn đối với những người chống thắt chặt tài chính thì đây là cơ hội duy nhất cần lập tức giành lấy để thay đổi các quy tắc chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục