Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, ngày 12/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời điểm chín muồi để ra Nghị quyết
Cho ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là một vấn đề mà được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tầng lớp nhân dân Thành phố quan tâm từ nhiều năm nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ quá trình từng là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố, trong thời kỳ thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở quận, huyện, phường tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 6/2011 cho đến tháng 12/2018.
Theo đại biểu, đây là một thời kỳ vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn trong quá trình hoạt động của Hội đồng Nhân dân. Song, một ý chí chính trị đặt ra đối với Hội đồng Nhân dân thành phố nói riêng và đối với Đảng bộ của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung là quyết tâm thực hiện thí điểm thành công, khó khăn phải khắc phục, vấn đề nào vướng mắc đề nghị được tháo gỡ.
Trong quá trình thực hiện thí điểm, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân, có nhiều giải pháp, biện pháp, cách làm mới, sáng tạo để không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở quận, huyện, phường, nhưng quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy tốt. Vai trò đại diện quyền làm chủ đó của Hội đồng Nhân dân được nhân dân thừa nhận. Kết quả đó tác động một cách tích cực với nhiều giải pháp hiệu quả.
"Quyền đại diện của nhân dân không bị hạn chế và vai trò của từng đại biểu Hội đồng nhân dân được phát huy," đại biểu nhấn mạnh và nêu ví dụ: "Các tổ đại biểu và đại biểu không phải đến kỳ chuẩn bị họp Hội đồng nhân dân mới tiếp xúc cử tri, mà chúng tôi tổ chức tiếp xúc cử tri và tiếp công dân hàng tuần tại địa bàn của quận, huyện. Đại biểu còn tiếp xúc theo yêu cầu của cử tri. Việc gặp gỡ và tiếp xúc cử tri là thường xuyên."
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết trong quá trình thí điểm có hạn chế là hoạt động giám sát chưa được như mong muốn. Thành phố đã cố gắng giám sát, nhưng độ phủ của hoạt động giám sát và kết quả thực hiện kết luận giám sát, tái giám sát vẫn chưa như mong đợi. Nếu sắp tới tổ chức lại, cần tăng cường hơn hoạt động giám sát để đảm bảo yêu cầu của người dân. Nhưng có thể thấy, việc quyết định các vấn đề quan trọng cho sự phát triển của địa phương được các cấp, nhân dân thành phố đánh giá cao trong quá trình thí điểm.
[Chính quyền đô thị TP.HCM: Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước]
"Thời gian thí điểm là một thực tiễn rất sinh động, chứng minh rằng đây là thời kỳ chín muồi để Quốc hội cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mô hình chính quyền tại thành phố mà không nhất thiết phải qua thí điểm," đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tán thành và ủng hộ dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình, tuy nhiên còn băn khoăn về quyền đại diện cho quyền dân chủ; phương thức thực hiện quyền dân chủ ở 2 cấp không có Hội đồng Nhân dân.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng phải quy phạm hóa một số giải pháp và quy phạm hóa bằng các quy định trong nghị quyết. Thứ nhất là trách nhiệm giải trình của chính quyền thành phố, chính quyền quận và phường theo định kỳ đối với những nơi không có Hội đồng Nhân dân. Thứ hai là định kỳ tổ chức đối thoại của người đứng đầu chính quyền từng cấp với nhân dân. Thứ ba là tăng cường thời lượng, số lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố và tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách.
"Theo tôi, một cụm phường nên có một đại diện chuyên trách. Sau này, nếu có điều kiện tổng kết thực tiễn, thậm chí có thể có một văn phòng của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, Văn phòng không chuyên trách để thu thập ý kiến cử tri phản ánh với chính quyền thường xuyên," đại biểu kiến nghị.
Giải pháp thứ tư mà đại biểu Lê Thanh Vân nêu ra là phải tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Thứ năm là phải có hình thức phù hợp để trưng cầu dân ý và xin ý kiến nhân dân, khi chính sách tác động đến bề mặt rộng, liên quan đến địa giới hành chính phường, quận, nhất là thu hồi đất đai.
"Tôi nghĩ, thực hiện được 5 giải pháp đó bằng các quy phạm cụ thể mới bảo đảm được quyền dân chủ của nhân dân thông qua chính quyền và người đại diện của mình," đại biểu nhấn mạnh.
Ủng hộ phương án tăng đại biểu chuyên trách
Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện ngay từ ngày 1/7/2021 mà không qua thí điểm.
Việc ban hành Nghị quyết này là phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019. Theo đó, chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương trước đây đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội; kết quả thí điểm cho thấy việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường là phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố ủng hộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã có thời gian hơn 6 năm thực hiện mô hình thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở cấp huyện, quận, phường trong giai đoạn 2009-2016 và đã tổng kết việc thí điểm này. Qua đó thấy rằng, việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường là có tính hiệu quả. Do đó, dự thảo nghị quyết Chính phủ trình không thí điểm mà là tổ chức thực hiện luôn mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
"Dù là thí điểm hay không thí điểm thì Chính phủ vẫn đề nghị sau một thời gian, khoảng 3 năm thực hiện, chúng ta cũng nên sơ kết. Nếu mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện thấy cần điều chỉnh, chúng ta sẽ tiếp tục đề nghị Quốc hội để điều chỉnh. Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề bình thường," Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.
Về vấn đề có ý kiến đề nghị tăng số lượng đại biểu của Hội đồng Nhân dân, đặc biệt là số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phân tích, trong dự thảo nghị quyết, Chính phủ trình có nêu 2 phương án.
"Một phương án là vẫn giữ theo như Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phương án thứ hai là tăng đại biểu chuyên trách của Thành phố Hồ Chí Minh. Qua thảo luận, phần lớn các đại biểu đề nghị tăng số lượng chuyên trách, cơ quan trình mong muốn Quốc hội ủng hộ phương án tăng đại biểu chuyên trách cho Thành phố Hồ Chí Minh," Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh phải tăng cường dân chủ trực tiếp những vấn đề có liên quan đến lợi ích của người dân. "Sắp tới, Bộ Nội vụ trình Quốc hội về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, chúng tôi sẽ quy định cụ thể hơn về những nơi không có Hội đồng Nhân dân sẽ thực hiện tăng cường dân chủ trực tiếp," Bộ trưởng cho biết./.