Thời cơ mới, vận hội mới để Tập đoàn Dầu khí phát triển bền vững

Với quy mô tài sản hợp nhất của Petrovietnam tại thời điểm 31/12/2023 là hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 43 tỷ USD, vốn chủ sở hữu cùng thời điểm là 532 nghìn tỷ đồng, tương đương 22,6 tỷ USD.
Toàn cảnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trải qua 49 năm xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang đứng trước thời cơ mới, vận hội mới để thay đổi chính mình-trở thành Tập đoàn công nghiệp-năng lượng quốc gia.

Nhìn lại chặng đường 49 năm xây dựng và phát triển, tập thể lãnh đạo, người lao động Petrovietnam qua các thời kỳ có quyền tự hào về những gì mình đã và đang đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Ra đời ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, từ dự cảm thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bộn bề khó khăn, thiếu thốn do đất nước bị bao vây, cấm vận, bằng ý chí, nghị lực phi thường, những người làm dầu khí đã đi từ “không đến có”; từ vị trí “người làm thuê,” “người học việc,” nay đã làm chủ cơ bản các công nghệ tiên tiến nhất của ngành dầu khí thế giới.

Bảo đảm 4 chữ “An”

Theo đại diện Petrovietnam, “Khát vọng-Trí tuệ-Chuyên nghiệp-Nghĩa tình” là “bộ mã gen” của cán bộ, người lao động Petrovietnam, đang là động lực, là hành trang cho thế hệ hôm nay vững bước đi lên.

Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, ngành Dầu khí Việt Nam đã không ngừng phát triển, ngày càng khẳng định là ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, then chốt của đất nước mà Petrovietnam giữ vai trò trụ cột, bảo đảm 4 chữ “An” quan trọng của đất nước, đó là: an ninh năng lượng quốc gia; an ninh lương thực quốc gia; an ninh kinh tế đất nước; an ninh chủ quyền quốc gia trên biển. Điều đó đã được khẳng định, ghi nhận tại nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước, và gần đây nhất là tại Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị.

Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao; hình thành nên đội ngũ gần 60.000 người lao động có năng lực chuyên môn cao, cùng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, phức tạp của ngành và vươn ra thế giới.

Với sự phát triển đồng bộ của chuỗi công nghiệp dầu khí, Petrovietnam đã trở thành nòng cốt, hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai-Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất-Quảng Ngãi, Vũng Áng-Hà Tĩnh, Nghi Sơn-Thanh Hóa... Sự đầu tư đồng bộ này đã làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lượng, phân bón của cả nước.

Các dự án như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau… vẫn đang hoạt động hết sức hiệu quả, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và từng vùng, địa phương nơi có dự án vận hành. Những dự án công trình mang tầm cỡ khu vực là minh chứng rõ nét cho trình độ, năng lực của cán bộ, kỹ sư dầu khí Việt Nam, là tiền đề quan trọng để Petrovietnam đẩy mạnh việc xuất khẩu dịch vụ dầu khí ra nước ngoài.

Cảng thi công chân đế điện gió ngoài khơi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên phương diện tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam rất hiệu quả. Petrovietnam là doanh nghiệp Nhà nước đóng góp lớn nhất cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Với quy mô tài sản hợp nhất của Petrovietnam tại thời điểm 31/12/2023 là hơn 1,0 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 43 tỷ USD, vốn chủ sở hữu cùng thời điểm là 532 nghìn tỷ đồng, tương đương 22,6 tỷ USD. Từ năm 1986-2023, tổng doanh thu của toàn Petrovietnam đạt trên 524 tỷ USD, tương đương với 10-13% GDP đất nước; nộp ngân sách toàn Petrovietnam trên 129 tỷ USD, giai đoạn từ 2010 trở về trước đóng góp 25-30% tổng thu ngân sách cả nước, giai đoạn 2011-2015 đóng góp 20-25%, giai đoạn 2016 đến nay do sự phát triển của các ngành kinh tế khác của đất nước, Petrovietnam luôn đóng góp 9-10% tổng thu ngân sách cả nước.

Những con số thống kê đó cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ, không thể phủ nhận của Petrovietnam đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và người lao động dầu khí có quyền tự hào về những đóng góp đó!

Là doanh nghiệp đầu tàu của nền kinh tế, giữ vai trò then chốt, nền tảng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, Petrovietnam luôn ý thức kết quả hoạt động của Tập đoàn có ảnh hưởng trực tiếp, quan trọng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Vậy nên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, thách thức đến đâu, tập thể lãnh đạo, người lao động dầu khí luôn giữ vững niềm tin, bình tĩnh vượt khó, chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Trước thử thách càng bản lĩnh

Việc Petrovietnam vững vàng vượt “khủng hoảng kép” lấy lại đà tăng trưởng, liên tiếp lập kỷ lục trong sản xuất kinh doanh giai đoạn 2020-2023 là minh chứng rõ nét cho điều đó.

Trong khó khăn càng vững vàng, trước thử thách càng bản lĩnh, tăng trưởng là “mệnh lệnh” sống còn của doanh nghiệp, là yêu cầu bắt buộc cho mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Petrovietnam, trong công tác quản trị, điều hành, quan điểm, tinh thần này luôn được đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh là không thể đi lùi, buộc phải đi ngang hoặc đi lên. Không có giới hạn đối với mục tiêu tăng trưởng, dư địa thị trường còn lớn, Petrovietnam không thỏa mãn với những gì đã có, hài lòng với đóng góp của mình cho đất nước. Đó cũng là bản chất của lớp lớp các thế hệ người lao động dầu khí, là khát vọng chinh phục, khát vọng vượt thử thách, khát vọng cống hiến với sứ mệnh “Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”.

Nhìn sang các quốc gia có nền công nghiệp dầu khí phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…. chúng ta thấy rằng quy mô của Petrovietnam còn khá khiêm tốn. “So với các tập đoàn, công ty dầu khí quốc gia trong khu vực, Petrovietnam vẫn ở quy mô nhỏ, hiện vẫn còn dư địa, tiềm năng phát triển; vì vậy, đòi hỏi Petrovietnam cần chuyển dịch mô hình kinh doanh mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để tiệm cận, bắt kịp các doanh nghiệp này, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới,” ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Chặng đường sắp tới, trước những kỳ vọng lớn lao được Đảng, Nhà nước đặt ra đối với sự phát triển của Tập đoàn và trước vận hội mới, thời cơ mới Petrovietnam đang hướng tới và quyết tâm xây dựng, phát triển Tập đoàn trở thành Tập đoàn công nghiệp-năng lượng quốc gia hàng đầu đất nước, có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; giữ vai trò nòng cốt, chủ lực, đầu tàu, có tiềm lực mạnh về tài chính và trình độ khoa học tiên tiến; có sức cạnh tranh cao, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Đó vừa là nhiệm vụ nhưng đồng thời cũng là mục tiêu, là “mệnh lệnh” cho sự tăng trưởng, phát triển bền vững của Petrovietnam, để Tập đoàn giữ vững vị thế, vai trò và đóng góp cho đất nước, để cùng với Đảng, Chính phủ xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Để thực hiện mục tiêu đó, ông Lê Mạnh Hùng cho biết Tập đoàn đã xây dựng Chương trình Kế hoạch hành động của Đảng ủy Tập đoàn thực hiện Kết luận số 76-KL/TW. Theo đó, để thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam phải nhận diện, xác định tác động từ môi trường thế giới và khu vực, những khó khăn, thách thức, đánh giá nguồn lực, từ đó, xác định mục tiêu phát triển, định hướng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đã được Bộ Chính trị phê duyệt tại Nghị quyết số 41/NQ-TW và Kết luận số 76-KL/TW.

Ông Lê Mạnh Hùng cũng khẳng định, các văn bản, chủ trương, định hướng chiến lược phát triển, đồng thời với hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan tạo điều kiện cho Petrovietnam phát triển chính là cơ hội, điểm tựa để Petrovietnam vượt qua những khó khăn, để tự tin thực hiện mục tiêu phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành Tập đoàn Công nghiệp-năng lượng quốc gia có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Petrovietnam đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả ngay, gồm: Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững ngành dầu khí mà chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Hoàn thiện hạ tầng ngành dầu khí theo hướng đồng bộ, thông minh, đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và xu thế chuyển dịch năng lượng; Nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp toàn Petrovietnam; Tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển, quản trị tốt danh mục dự án đầu tư;

Cùng với đó, Xây dựng chiến lược phát triển và Đề án cơ cấu lại Petrovietnam theo mô hình Tập đoàn Công nghiệp-năng lượng quốc gia, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, bảo đảm mục tiêu tiếp tục giữ vững thị phần lĩnh vực dầu khí truyền thống với chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở rộng lĩnh vực hoạt động thông qua tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo; Thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Với những kết quả, thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, với bản lĩnh, trí tuệ đã được tôi rèn, cộng với những phẩm chất quý báu của người dầu khí được khái quát qua hệ giá trị cốt lõi “Khát vọng-Trí tuệ-Chuyên nghiệp-Nghĩa tình” và đặc biệt là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tập thể lãnh đạo, người lao động Petrovietnam sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp - năng lượng quốc gia có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, đúng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đặt ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục