Thoát hiểm trong gang tấc, nước Mỹ chưa hết âu lo

Nước Mỹ vừa thoát hiểm vào phút chót khi lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận chấm dứt tình trạng bế tắc về việc nâng trần nợ công, mở đường cho việc chính phủ hoạt động trở lại sau hơn 2 tuần đình trệ. Nguy cơ về việc nước Mỹ vỡ nợ tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới đã được đẩy lùi, song điều đó mới chỉ là tạm thời. Trên thực tế, người dân Mỹ vẫn lo âu về một kịch bản tương tự tái diễn trong tương lai gần khi thời hạn theo thỏa thuận giữa hai bên kết thúc.
Nước Mỹ vừa thoát hiểm vào phút chót khi lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận chấm dứt tình trạng bế tắc về việc nâng trần nợ công, mở đường cho việc chính phủ hoạt động trở lại sau hơn 2 tuần đình trệ.

Nguy cơ về việc nước Mỹ vỡ nợ tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới đã được đẩy lùi, song điều đó mới chỉ là tạm thời. Trên thực tế, người dân Mỹ vẫn lo âu về một kịch bản tương tự tái diễn trong tương lai gần khi thời hạn theo thỏa thuận giữa hai bên kết thúc.

Rõ ràng, thỏa thuận vừa đạt được về kế hoạch chi tiêu ngân sách tạm thời và gia hạn quyền vay nợ đã chấm dứt "cuộc chiến ngân sách" kéo dài 16 ngày qua tại nền kinh tế đầu tàu thế giới. Mặc dù chỉ mang tính thỏa hiệp và tạm thời, song dự luật đã góp phần giải tỏa một phần tình trạng tranh cãi căng thẳng kéo dài trong nội bộ chính trường Mỹ.

Ông Harry Reid, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện cho rằng việc đạt được thỏa thuận trên là một diễn biến lịch sử, "đất nước của chúng ta đã thoát khỏi bờ vực của một thảm họa chưa từng có", đồng thời mở đường cho Quốc hội thêm thời gian để cùng làm việc nhằm hướng tới một thỏa thuận ngân sách chung mang tính lâu dài.

Để dự luật được lưỡng viện Quốc hội thông qua, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đã phải chấp nhận một sự nhượng bộ chưa từng có, là không đụng chạm tới Đạo luật cải cách y tế của Nhà Trắng, thường được gọi là "ObamaCare." Đây là vấn đề mấu chốt gây bế tắc kéo dài đối với kế hoạch ngân sách tài khóa 2014 của Mỹ. Đạo luật ObamaCare được Nhà Trắng mô tả là cuộc cải tổ mạnh mẽ nhất đối với hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ kể từ năm 1965, theo đó hàng chục nghìn người Mỹ hiện không có bảo hiểm y tế sẽ được mua bảo hiểm với nhiều ưu đãi.

Tuy nhiên, để có được 600 tỷ USD chi cho chương trình này, đạo luật ObamaCare chủ trương tăng thuế đối với thiểu số những người giàu nhất nước Mỹ. Điều khoản này trong Đạo luật ObamaCare "đụng chạm" tới túi tiền của tầng lớp thượng lưu, do vậy đảng Cộng hòa quyết tâm ngăn chặn.

Tuy nhiên, chính vì thỏa thuận mới không giải quyết được bất đồng về chương trình cải tổ y tế do Tổng thống Barack Obama đề xướng, giới chuyên gia cho rằng sau các thời hạn được phép, chính trường Mỹ sẽ lại bước vào một cuộc đấu đá quyền lực mới.

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa, nhất là nhóm nghị sỹ bảo thủ tại Hạ viện, vẫn quyết liệt với nỗ lực chống lại đạo luật ObamaCare. Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện đã tái khẳng định quyết tâm tìm mọi cách ngăn chặn "thảm họa" ObamaCare. nghị sỹ này cũng tuyên bố sẽ gây áp lực buộc chính quyền Obama phải cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách tài khóa 2014.

Trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ John Boehner cũng tuyên bố sẽ tiếp tục ép Nhà Trắng và đảng Dân chủ phải trì hoãn hoặc sửa đổi ObamaCare. Hai thượng nghị sỹ Ted Cruz và Mike Lee, thành viên của đảng Trà (Tea Party) bảo thủ - lực lượng giành được nhiều uy tín sau khi Tổng thống Obama lên nắm quyền năm 2008 và ngày càng nhận được sự ủng hộ của các nhóm bảo thủ nhiều ảnh hưởng trong Quốc hội - cũng tuyên bố cuộc chiến chống ObamaCare là chính đáng.

Các nhà lập pháp thực dụng hơn lo ngại rằng các thành viên Hội Trà đang khiến Đảng Cộng hòa ngày càng có xu hướng thiên hữu hơn nhằm tăng tính cạnh tranh trong các cuộc tổng tuyển cử.

Tình trạng bất đồng đảng phái tiếp diễn chắc chắn sẽ dẫn tới những bế tắc chính trị mới. Ngân sách cho chính phủ Mỹ sẽ cạn kiệt vào ngày 15/1/2014 và vấn đề khủng hoảng trần nợ công sẽ lại xảy ra nếu Quốc hội Mỹ không hành động. Để tránh kịch bản tương tự lặp lại, các chính đảng phải gạt bỏ bất đồng và những toan tính cá nhân để có những nhượng bộ và thỏa hiệp nhất định xuất phát từ lợi ích của người dân./.

Nguyệt Ánh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục