Thoái vốn Nhà nước: Cần minh bạch đấu giá cổ phần cho nhà đầu tư

Các nhà đầu tư rất phấn khởi trước thông tin Nhà nước thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp và cho rằng, Nhà nước cần bán đấu giá công khai, rộng rãi và minh bạch để đem về lợi ích cao nhất.
Một góc dây chuyền đóng gói tự động trong Nhà máy thứ 2 của Vinamilk tại KCN Mỹ Phước 2, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xem xét việc thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp, một số doanh nghiệp trong số này cho rằng, Nhà nước cần bán đấu giá công khai, rộng rãi và minh bạch để đem về lợi ích cao nhất.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng, Vinamilk là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, quản trị tốt và luôn đem lại giá trị gia tăng cho cổ đông nên tâm lý các nhà đầu tư đều muốn sở hữu thêm cổ phiếu Vinamilk. Do đó, nhà đầu tư nói chung cả trong và ngoài nước sẽ rất phấn khởi nếu Nhà nước thoái vốn ở Vinamilk.

Theo bà Bùi Thị Hương, đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức, nhưng với điều kiện Nhà nước đấu giá rộng rãi công khai và minh bạch cho các nhà đầu tư có cơ hội tham gia, giúp đem lại lợi ích cao nhất cho nhà nước qua việc bán vốn.

Phía Vinamilk mong muốn các cổ đông hiện nay của công ty này cần tăng thêm tỷ lệ sở hữu hiện có khi Nhà nước thoái vốn.

Về kế hoạch phát triển trong thời gian tới sau khi có thông tin yêu cầu thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk, bà Bùi Thị Hương khẳng định, Vinamilk vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng chiến lược đã hoạch định trong 5 năm và 10 năm tới với mục tiêu trở thành công ty đa quốc gia hoạt động trên toàn cầu.

Đánh giá tác động của việc thoái hết vốn Nhà nước, các doanh nghiệp cho rằng trước mắt sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (1 trong 10 doanh nghiệp phải thoái vốn), việc Chính phủ nắm giữ vốn của doanh nghiệp có vai trò như một cổ đông, thay vì cổ đông này là một cổ đông khác thì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn phải duy trì. Vấn đề ai sẽ là cổ đông mới là quan trọng, có gắn bó lâu dài và đồng thuận cao với đơn vị trong việc ổn định, phát triển sản xuất.

Hiện Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh có 2 đại diện vốn pháp nhân là Nhà nước và Tập đoàn SCG (Thái Lan), đang nắm giữ khoảng 50% cổ phần, trong đó, Nhà nước chỉ sở hữu 29,4% cổ phần (không phải là 38,4% như thông tin báo chí đã đưa).

Việc thoái hết vốn Nhà nước ra khỏi công ty này rất có thể sẽ thu hút và tạo cơ hội cho Tập đoàn SCG nắm giữ cổ phần chi phối, bởi vì Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh là một trong những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả trong ngành nhựa của Việt Nam.

Hiện cả 10 doanh nghiệp được xem xét thoái vốn lần này đều đang hoạt động kinh doanh hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong các ngành, lĩnh vực liên quan, do đó, việc thoái hết vốn Nhà nước được dự báo sẽ có tác động không nhỏ đến sự phát triển của các ngành, nhất là trong bối cảnh Hiệp định TPP có hiệu lực sắp tới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục