Thoái vốn ngoài ngành hơn 800 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm

Tính tới ngày 20/6, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã thoái được 821,8 tỷ đồng vốn ngoài ngành trong tổng số gần 22.000 tỷ đồng cần thoái.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN)

Tính tới 20/6, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã thoái được 821,8 tỷ đồng vốn ngoài ngành trong tổng số gần 22.000 tỷ đồng cần thoái.

Phát biểu tại phiên họp báo Bộ Tài chính thường kỳ ngày hôm nay (8/7), ông Nguyễn Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết thêm, số tiền nói trên chưa cập nhật số vốn đang thoái của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng.

Không đưa ra đánh giá cụ thể về tốc độ thoái vốn trên nhưng theo ông, bất kỳ phương án nào cũng cần có thời gian thực hiện và sắp tới, con số này sẽ tăng lên rất nhanh.

Theo thống kê của ngành tài chính, những đơn vị đạt kết quả tốt trong việc thoái vốn là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (120 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (376 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (120 tỷ đồng), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (105 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Nam (83 tỷ đồng).

Về tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hiện cơ quan quản lý đã cổ phần hóa được 38 đơn vị. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và giải thể 2 doanh nghiệp trong những tháng đầu năm.

Theo đánh giá của đại diện ngành tài chính, ngoài một số đơn vị triển khai hiệu quả việc tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp thì nhiều nơi vẫn chưa có kết quả như: Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất,...

Khó khăn được đại diện Bộ Tài chính chỉ ra rằng, đối tượng cổ phần hóa hiện nay hầu hết là doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa nghành nghề, tài chính phức tạp nên cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thẳng thắn đánh giá: Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hoá và thoái vốn.

Để đẩy nhanh tốc độ, ông Nguyễn Quyết Tiến cho biết, đối với 159 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ phấn đấu đến quý III, tất cả đều công bố được giá trị doanh nghiệp và cuối quý 4 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.

Cũng theo ông Tiến, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu thành lập ngay ban chỉ đạo cổ phần hoá với 135 doanh nghiệp trong quý 3 và và bắt tay vào việc xác định giá trị doanh nghiệp, phê duyệt xong phương án cổ phần hoá.

"Với sự quyết liệt, đôn đốc của các bộ tới từng doanh nghiệp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tiến độ cổ phần hóa sẽ đạt được," ông Nguyễn Quyết Tiến nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục