Thỏa tình yêu “Truyện Kiều” cùng với Hội Kiều học

Hội Kiều học Việt Nam sẽ đem lại bước tiến trong nghiên cứu, phổ biến "Truyện Kiều," góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.



“Truyện Kiều” đã đưa đại thi hào Nguyễn Du trở thành danh nhân văn hóa thế giới. Tác phẩm chứa đựng những tinh hoa tư tưởng, mang đậm dấu ấn thiên tài văn hóa Nguyễn Du đồng thời là kiệt tác thơ Nôm của Việt Nam. Việc thành lập Hội Kiều học Việt Nam hứa hẹn đem lại bước tiến mới trong việc học tập, nghiên cứu cũng như phổ biến "Truyện Kiều," góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đông đảo những người yêu “Truyện Kiều” đã có mặt tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam trong buổi đại hội đầu tiên của Hội Kiều học Việt Nam, diễn ra vào sáng ngày 3/11. Ngàn lẻ một kiểu yêu “Truyện Kiều” Đến tham dự đại hội từ rất sớm, với tư cách là hội viên Hội Kiều học Việt Nam, nghệ sỹ Bạch Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hà Nội hào hứng chia sẻ với phóng viên Vietnam+ những ảnh hưởng của “Truyện Kiều” đối với con đường nghệ thuật của chị. Nghệ sỹ Bạch Vân cho biết, chị sinh ra ở Nghệ An, cả tuổi thơ của chị đã thấm nhuyễn “Truyện Kiều” qua lời ru, nảy Kiều, ngâm Kiều của mẹ. Con cháu trong gia đình chị, ai lên ba tuổi cũng đều được mẹ dạy Kiều nên mới bước vào lớp một ai nấy đều đã làu làu những câu Kiều. Từ những vần thơ trong “Truyện Kiều” đã hướng tâm hồn Bạch Vân mở lòng với văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc để rồi lớn lên chị đã chọn đi theo nghiệp ca trù. Con đường nghệ thuật này lắm nỗi chuân chuyên, vào những thời khắc khó khăn, mệt mỏi tưởng chừng không trụ được với ca trù, Bạch Vân lại nhớ lời răn của mẹ qua câu Kiều năm xưa: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Những câu Kiều giản dị mà sâu sắc ấy đã như một sự thôi thúc giúp Bạch Vân có thêm nghị lực để vững bước trên con đường ca trù. Dẫn chứng cho tình yêu tha thiết đối với “Truyện Kiều” và Nguyễn Du, nghệ sỹ Bạch Vân kể rằng, khi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hà Nội chị đã chọn Bích Câu đạo quán, nơi khi xưa cụ thân sinh ra đại thi hào Nguyễn Du từng sống và tổ chức các cuộc hát để làm điểm biểu diễn hàng tuần cho câu lạc bộ của mình. Ngoài ra, những thể cách ca trù như “Bắc phản” hay hát kể chuyện nảy Kiều, ngâm thơ Kiều còn được chị ưu ái, chọn biểu diễn nhiều trong các đêm sinh hoạt của câu lạc bộ… Tình yêu “Truyện Kiều” còn rộn rã trong những câu chuyện của các hội viên giữa giờ giải lao. Dù không có mặt trong Đại hội Hội Kiều học Việt Nam sáng nay nhưng một hội viên của Hội Kiều học là linh mục Nguyễn Hữu Triết ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã được nhiều người nhắc tên trong câu chuyện quanh bàn trà. Vị linh mục này dành cả đời đi sưu tầm những hiện vật có liên quan đến “Truyện Kiều,” Nguyễn Du trên sách vở, thư pháp, gốm sứ… Đến nay, ông đã có trong tay hơn 1.600 hiện vật quý này. Giống như vị linh mục, nữ họa sỹ Ngọc Mai với tình yêu Kiều của mình cũng đã làm rôm rả câu chuyện dẫu chị không đến được với đại hội lần này. Theo lời kể của những người bạn, họa sỹ Ngọc Mai đã dành hơn mười năm vẽ 28 bức tranh lụa về Kiều. Những bức tranh chị vẽ không phải để minh họa mà để vẽ lại những rung cảm nội tâm về Kiều. Ví như, trong bức tranh Kiều tắm, họa sỹ Ngọc Mai không minh họa thông thường với những câu thơ: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dầy dầy đúc sẵn một tòa thiên nhiên” mà chị ghi lại những rung cảm của một cô gái sớm góa chồng, nghĩ đến tấm thân ngọc ngà của mình khi tắm được minh họa: “Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân.” Còn nhà nghiên cứu Lê Xuân Lít ở Thành phố Hồ Chí Minh lại chứng tỏ tình yêu “Truyện Kiều” bằng cách cho ra đời tuyển tập “Hai trăm năm nghiên cứu và bàn luận Truyện Kiều.” Đây là công trình tập hợp và truyển chọn 208 bài viết của 158 tác giả về "Truyện Kiều" trong gần 200 năm qua. Cuốn sách cung cấp cho độc giả nguồn tư liệu phong phú và có giá trị, phản ánh tiếp cận, đánh giá của các học giả, các nhà nghiên cứu và đông đảo công chúng say mê “Truyện Kiều” trong và ngoài nước. Vẫn còn nhiều nữa những người đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước có các hoạt động thể hiện lòng yêu mến “Truyện Kiều” và yêu mến Nguyễn Du. Hội Kiều học là nhu cầu tất yếu Theo Tiến sỹ Phan Tử Phùng, “Truyện Kiều” là kiệt tác của văn học Việt Nam, một tác phẩm hội tụ đầy đủ tinh hoa của ngôn ngữ Việt đồng thời là tác phẩm có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, văn hóa, xã hội dân tộc Việt Nam. Mặc dù có nhiều người yêu “Truyện Kiều,” yêu Nguyễn Du, nhưng vì không có một tổ chức, một hội để giao lưu, thông tin nên các hoạt động của họ chưa được nâng tầm. Bên cạnh đó, theo thống kê trước đây của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, giữa các bản “Truyện Kiều” đang lưu hành trong và ngoài nước lại có sự cách biệt nhau tới 48% về câu và 10% về chữ. Nguyên nhân có sự khác biệt này là do nguyên bản “Đoạn trường tân thanh” do tự tay Nguyễn Du viết đã bị thất lạc. Đến nay, dẫu có nhiều công trình nghiên cứu về văn bản “Truyện Kiều” của nhiều nhà Kiều học suốt đời tâm huyết với “Truyện Kiều” nhưng các công trình ấy cũng chỉ ở dạng tư liệu mang tính tham khảo trong kho sách của các thư viện. Bởi vậy, việc thành lập một hội nghiên cứu về “Truyện Kiều" và Nguyễn Du là cần thiết, đáp ứng được lòng mong muốn của mọi người cũng như nhu cầu của xã hội. Việc thành lập Hội Kiều học là một sự kiện văn hóa lớn, một bước phát triển mới trong hoạt động nghiên cứu “Truyện Kiều,” từ chỗ chỉ là hoạt động riêng lẻ của từng cá thể theo từng sở thích riêng đến nay đã hình thành một hội khoa học quy mô toàn quốc được nhà nước chính thức công nhận, có quan hệ rộng rãi trong và ngoài nước theo tầm của một khoa học chuyên ngành là ngành Kiều học./.
Sáng ngày 3/11, Đại hội đầu tiên của Hội Kiều học Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội, bầu ra Ban chấp hành Hội gồm 29 người.

Trước đó, vào tháng 7/2011, Hội Kiều học Việt Nam đã được Bộ Nội vụ ký quyết định cho phép thành lập.

Đến nay, Hội đã có gần 400 thành viên với độ tuổi từ 25 đến 87, trong đó có 52 người là giáo sư, phó giáo sư.
Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục