Thỏa thuận Xanh: Tấm vé thông hành duy trì khả năng cạnh tranh tại EU

Thỏa thuận Xanh châu Âu có khả năng ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp của Việt Nam, tùy thuộc vào bản chất của ngành và các biện pháp cụ thể được đưa ra theo thỏa thuận.
Thỏa thuận Xanh: Tấm vé thông hành duy trì khả năng cạnh tranh tại EU ảnh 1Thông qua chuỗi sự kiện tại Vietnam Sourcing 2023 doanh nghiệp Bắc Âu sẽ tìm thêm được nhiều nguồn hàng từ Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu, Thỏa thuận xanh của EU đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thay đổi mà Thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU.

Trước sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Vietnam International Sourcing 2023) do Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 9 tới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Hoàng Thúy đã có một số chia sẻ với báo chí về những quy định mới của EU đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này cũng như cơ hội để các doanh nghiệp có thể mở rộng cơ hội hợp tác và đầu tư với các doanh nghiệp Bắc Âu nói riêng và châu Âu nói chung.

Nhiều yêu cầu mới về tính bền vững

- Hiện nay, xu hướng thu mua và tiêu dùng tại Khu vực Bắc Âu đã tạo nên những thay đổi lớn sau đại dịch COVID-19, tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng quốc tế, theo cả hướng tiêu cực và tích cực. Vậy xu hướng tiêu biểu là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Tại thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng, Thỏa thuận xanh châu Âu là một chính sách mới, dự kiến sẽ tác động đến hoạt động giao thương với khu vực này, đồng thời mở ra các khả năng mới cho hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài EU.

[Tập đoàn Boeing nhận lời mời tham dự Vietnam Sourcing 2023]

Một số chính sách, chiến lược có thể nhìn thấy ngay việc ảnh hưởng đến xuất khẩu sang EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn, hay là Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.

Có thể nói đây là một kế hoạch toàn diện để đạt được sự trung hoà về khí hậu đồng thời cũng là một chiến lược để phát triển. Đối với các doanh nghiệp, sẽ có những yêu cầu mới về tính bền vững đòi hỏi sự điều chỉnh trong hoạt động sản xuất.

Về cơ bản EU sẽ yêu cầu đối các sản phẩm lưu thông trên thị trường phải có tính bền vững, có thể tái sử dụng, sửa chữa, tái chế và tiết kiệm năng lượng. Hay thực phẩm bền vững phải đáp ứng các định nghĩa chung, nguyên tắc chung, yêu cầu, chứng nhận và kế hoạch ghi nhãn. Các sửa đổi đang diễn ra và một khung pháp lý mới sẽ được đề xuất ngay trong năm 2023.

Là một trong những đối tác quan trọng của EU, Thỏa thuận Xanh châu Âu có khả năng ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp của Việt Nam, tùy thuộc vào bản chất của ngành và các biện pháp cụ thể được đưa ra theo thỏa thuận.

Một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận này là ngành dệt may và giày dép bởi EU là thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may và giày dép của Việt Nam.

Thỏa thuận Xanh: Tấm vé thông hành duy trì khả năng cạnh tranh tại EU ảnh 2Với Thỏa thuận Xanh Châu Âu, các doanh nghiệp cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thỏa thuận Xanh EU, cụ thể là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn, sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh.

Trong ngành bao bì, bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Điều này sẽ tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng như các doanh nghiệp sử dụng bao bì cho các sản phẩm xuất khẩu.

Một lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU là nông sản và thủy sản. Thỏa thuận Xanh đặt ra một cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, điều này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới về thực hành canh tác và sản xuất lương thực bền vững, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới và thay đổi quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải và giảm sử dụng hóa chất độc hại.

Tóm lại, Thỏa thuận xanh của EU đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thay đổi mà Thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU, đồng thời đón đầu các xu hướng mới để tạo ra các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn để được hưởng lợi trong dài hạn.

Kết nối chuỗi cung ứng quốc tế

- Được biết, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp Bắc Âu tham gia sự kiện, vậy Thương vụ có kỳ vọng gì từ sự kiện này?

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Giữa tháng 9, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương sẽ chủ trì tổ chức chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế Chuỗi sự kiện bao gồm các hội nghị, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Viet Nam International Sourcing Expo 2023).

Sự kiện nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Theo kế hoạch triển khai, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã tiến hành quảng bá Vietnam International Sourcing 2023 rộng rãi trên các kênh thông tin và chủ động, tích cực tìm kiếm, tiếp xúc, làm việc vận động, mời các đoàn thu mua, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối nước sở tại vào Việt Nam tham gia chuỗi hoạt động triển lãm, hội thảo nói trên.

Cùng với đó, Thương vụ cũng dự kiến tổ chức đoàn thu mua với hơn 10 doanh nghiệp Bắc Âu về tham dự sự kiện lần này. Ngoài ra, đối tác mua hàng tiềm năng như IKEA, H&M dự kiến sẽ cử đại diện mua hàng của họ ở khu vực châu Á và ở Việt Nam tham dự sự kiện. Các doanh nghiệp Thụy Điển mong muốn được gặp gỡ giao thương tại Triển lãm với các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng cao, đã đạt các chứng chỉ quốc tế, ở các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như thực phẩm, dệt may, giày dép, đồ thể thao, đồ gia dụng và nội thất...

Thỏa thuận Xanh: Tấm vé thông hành duy trì khả năng cạnh tranh tại EU ảnh 3Nhiều ngành của Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường tại khu vực Bắc Âu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chúng tôi kỳ vọng thông qua chuỗi sự kiện doanh nghiệp Bắc Âu sẽ tìm thêm được nhiều nguồn hàng từ Việt Nam và có được các thỏa thuận thương mại cũng như các ý tưởng kinh doanh mới gợi mở sau các diễn đàn, hội thảo, tiếp xúc giao thương. Đoàn cũng dự kiến tới khảo sát tại một số địa phương. Phía Thương vụ đang phối hợp với một số Sở Công Thương để tổ chức hoạt động này.

- Được biết, đoàn doanh nghiệp Bắc Âu tham dự sự kiện Vietnam International Sourcing lần này có Cảng Gothenburg là cảng lớn nhất khu vực Bắc Âu. Họ không mua hàng trực tiếp nhưng lại là đối tác tiềm năng quan trọng nhất lần này. Xin bà chia sẻ thêm về đối tác này?

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy: Cảng Gothenburg được xây dựng từ năm 1620, đến nay đã có lịch sử hơn 400 năm, là cảng biển lớn nhất Thụy Điển, vận chuyển 50% container của Thụy Điển, 30% hàng hóa xuất khẩu của Thụy Điển, hơn 800.000 container/năm.

Hiện nay, hàng hóa Việt Nam vào thị trường Thụy Điển thường được nhập khẩu qua các đầu mối trung gian tại các nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan.

Do vậy, mặc dù hàng hóa Việt Nam ngày càng hiện diện nhiều tại thị trường nhưng kim ngạch xuất khẩu chưa được ghi nhận tương xứng. Nếu thúc đẩy được hợp tác cảng biển và hàng không, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được vận chuyển trực tiếp, không qua các nước trung gian, sẽ giúp thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung.

Đối với Thương vụ, hợp tác với cảng Gothenburg còn mở ra cơ hội tiếp cận được hệ thống khách hàng của cảng để xúc tiến thương mại. Cảng Gothenburg tham dự hội chợ lần này để tìm các nhà cung ứng uy tín cho khách hàng của họ để tăng dịch vụ vận chuyển qua cảng. Họ muốn có khách vận chuyển từ hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển đồng nghĩa với việc họ hỗ trợ chúng ta xúc tiến thương mại.

Ngoài việc liên kết khách hàng, liên kết các cảng Việt Nam để hàng hóa được vận chuyển qua cảng Gothenburg, việc hợp tác xây dựng cảng thông minh cũng được cảng Gothenburg quan tâm hợp tác với Việt Nam trong dịp này.

- Xin cảm ơn bà./.

Chuỗi sự kiện “Viet Nam International Sourcing 2023” sẽ bao gồm 4 hoạt động chính, gồm: Hội nghị Kết nối Chuỗi cung ứng quốc tế năm 2023; Các Hội thảo trao đổi về xu hướng tiêu dùng quốc tế, Tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập hệ thống phân phối nước ngoài; Khu Triển lãm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế; Hoạt động khảo sát thực địa của các đoàn doanh nghiệp nước ngoài về các địa phương.

Thời gian: từ ngày 13/9-15/9 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) tại thành phố Hồ Chí Minh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục