Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu phụ trách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư Frans Timmermans ngày 7/1 thừa nhận số lượng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến Liên minh châu Âu (EU) giảm không đáng kể, bất chấp việc EU hồi tháng 11 năm ngoái đã cấp cho Ankara 3 tỷ euro để nước này giúp hạn chế dòng người di cư đổ đến châu Âu.
Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu tại một hội nghị ở Amsterdam, Hà Lan, ông Timmermans khẳng định mối quan hệ của EU với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn "tích cực," song Brussels sẽ phải tiếp tục thảo luận với giới chức Ankara để cải thiện hiệu quả các hoạt động hợp tác giữa hai bên.
Ông Timmermans nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhìn thấy những kết quả ban đầu đáng khích lệ... nhưng chúng ta còn cách xa mức độ hài lòng và còn rất nhiều việc phải làm để đạt được những gì đã thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ."
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại EU cho biết theo kế hoạch, vào ngày 11/1 tới, ông Timmermans sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận với các nhà lãnh đạo nước này về vấn đề trên và đánh giá kế hoạch hành động được EU với Ankara ký kết hồi tháng 11 vừa qua.
Phát biểu của ông Timmermans được đưa ra giữa lúc có những lo ngại gia tăng tại Đức - quốc gia đầu tàu của EU trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư - rằng chiến lược tập trung vào Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người tị nạn sẽ không mang lại kết quả nhanh chóng.
Nhiều chính khách Đức tỏ ra nghi ngờ chiến lược này, nhất là sau các báo cáo của cảnh sát tại thành phố Cologne, cho biết nhiều đối tượng nam "có vẻ bề ngoài là người Bắc Phi và Arab" đã tấn công, quấy rối hàng chục phụ nữ trong dịp mừng Năm mới 2016 ở trung tâm thành phố hồi tuần trước.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên án các vụ tấn công, song nhiều tổ chức chống nhập cư đã nhân vụ việc này để công kích chính sách đối với người tị nạn của bà Merkel.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, số người tị nạn đến Hy Lạp, một nước thành viên EU, đã vượt mức 3.000 người/ngày trong hai tuần vừa qua. Mặc dù con số này thấp hơn mức "đỉnh" hơn 5.000 người/ngày hồi đầu tháng 12/2015 nhưng vẫn là quá cao so với kỳ vọng của giới chức Hy Lạp và EU.
Nhiều nhà lãnh đạo tin rằng giảm là do điều kiện thời tiết xấu trên biển gây khó khăn cho người di cư hơn là nhờ các nỗ lực ngăn chặn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên quan tới vấn đề người di cư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Tanju Bilgich cho biết bắt đầu từ ngày 8/1, quy chế bắt buộc thị thực đối với các công dân Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường biển hay đường hàng không, sẽ có hiệu lực.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ yêu cầu thị thực đối với công dân Syria đến nước này từ nước thứ 3 với hy vọng giải quyết nạn nhập cư trái phép. Tuy nhiên, theo ông Bilgich, Ankara vẫn tiếp tục chính sách mở cửa đối với người Syria vào khu vực biên giới trên bộ như một phần của biện pháp nhân đạo không yêu cầu thị thực.
Năm 2009, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã đạt được thỏa thuận cho phép miễn thị thực đối với công dân hai nước. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng Syria bùng phát, quan hệ song phương Thổ Nhĩ Kỳ - Syria xấu đi và Ankara đẩy mạnh việc ngăn chặn người Syria vượt biên trái phép từ nước thứ ba.
Trong khi đó, hơn 2 triệu người Syria đã chạy sang lánh nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính, cho đến nay, Ankara đã chi gần 8 tỷ USD nhằm hỗ trợ người tị nạn Syria./.