Thỏa thuận về vấn đề người di cư của EU còn khá mong manh

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận là 28 nước thành viên thành lập trên lãnh thổ EU các “trung tâm kiểm soát” đón tiếp người di cư được cứu vớt trên biển.
Thỏa thuận về vấn đề người di cư của EU còn khá mong manh ảnh 1Tàu chở người di cư Lifeline tại cảng Valletta, Malta ngày 27/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau gần cả đêm dài thảo luận căng thẳng, rạng sáng 29/6 tại Brussels, các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã đi đến một thỏa thuận về vấn đề người di cư, vốn là chủ đề gây tranh cãi nhất tại hội nghị lần này.

Được gọi là “lịch sử”, cuộc họp quyết định này cuối cùng đã không phải kết thúc trong ẩu đả và tránh được hình ảnh tiêu cực về một châu Âu bên bờ vực bùng nổ chia rẽ như nhiều người lo ngại. Các nhà lãnh đạo châu lục đã phần nào thở phào dù thỏa thuận vẫn còn khá mong manh.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận là 28 nước thành viên thành lập trên lãnh thổ EU các “trung tâm kiểm soát” đón tiếp người di cư được cứu vớt trên biển. Những cơ sở này sẽ được đặt tại các nước thành viên “tự nguyện” và cho phép phân biệt nhanh chóng những người đủ điều kiện xin tị nạn với các trường hợp di cư vì kinh tế.

EU chủ trương những người đủ điều kiện sẽ được hưởng sự bảo trợ quốc tế và được phân bổ vào các quốc gia khác của châu Âu, cũng là các nước đồng ý tự nguyện tiếp nhận. Điều này đáp ứng một phần mong muốn của Italy về chia sẻ trách nhiệm từ các nước trong việc giải quyết vấn đề người di cư. Còn những trường hợp di cư vì lý do kinh tế sẽ bị gửi trả về đất nước quê hương họ.

Việc thiết lập các trung tâm đón tiếp đã được lãnh đạo 28 nước thảo luận nhiều giờ liền đi đến thống nhất, nhưng không có nước nào, nhất là Pháp và Italy, bày tỏ sẵn sàng thành lập các cơ sở này trên đất nước mình.

Đánh giá về kết quả này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định “nhiều người dự đoán chiến thắng của giải pháp quốc gia, nhưng tại hội nghị này, hợp tác châu Âu đã giành thắng lợi."

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, trải qua đêm trắng lần đầu tiên tại Brussels, đã bày tỏ hoan nghênh khi “nước Italy không còn cô độc nữa, châu Âu sẽ đoàn kết hơn." Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel thì e dè hơn với tuyên bố “vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hẹp các bất đồng."

Về cơ bản, các nước EU đều đồng thuận trong nhiệm vụ ngăn chặn dòng người di cư tràn vào “Lục địa Già” như đã và đang làm từ năm 2015 sau cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Ngược lại, việc chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề người di cư trên đất châu Âu vẫn luôn là chủ đề gây bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia thành viên.

Chương trình nghị sự về vấn đề tị nạn và di cư một lần nữa đã gây chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia, thậm chí có nguy cơ đe dọa đến tương lai châu Âu.

[EU đưa ra tuyên bố chung về người di cư sau 10 giờ họp căng thẳng]

Tại Hội nghị mùa Hè, các nhà lãnh đạo phải đối mặt với thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để chia sẻ gánh nặng về người xin tị nạn trong bối cảnh chính quyền dân túy của Italy bày tỏ thái độ cứng rắn yêu cầu chia sẻ trách nhiệm và không tiếp nhận người di cư, còn nhóm bốn nước Đông Âu Visegrad thì không chấp nhận hạn ngạch tái phân bổ người di cư. Trong khi đó, tại Đức, Thủ tướng Merkel đang phải đối mặt với sức ép ghê gớm của liên minh của mình ra tối hậu thư là không nhận người di cư đến từ các nước tuyến đầu.

Thực tế, sự bất đồng sâu sắc trong cách thức mà các quốc gia mong muốn để đối phó với dòng người di cư đến và dịch chuyển trong lòng châu Âu đã giúp nhiều chính trị gia có quan điểm dân túy giành được quyền lực ở tại số nước, gần đây nhất là trường hợp của Italy và giờ là sự tồn tại của liên minh cầm quyền tại Đức cũng đang bị đe dọa.

Chính phủ của bà Merkel đang ở vào thế rất mong manh khi Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đang chờ đợi sau hội nghị thượng đỉnh sẽ ban hành các quy định tị nạn khó khăn hơn ở biên giới Đức. Dầu sao thì sự trì hoãn này cũng đã cho bà Merkel thời gian để làm việc với các nước tuyến đầu như Italy, Hy Lạp và Bulgaria cũng như gây áp lực lên các thành viên Hội đồng châu Âu để tìm sự đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề này.

Phía trước là khá nhiều thách thức. Đề xuất về cải tổ Thỏa thuận Dublin, vốn trao trách nhiệm cho các nước tuyến đầu vào EU trách nhiệm xử lý đơn xin tị nạn, đã được các nước thống nhất tạm gác tới nhiệm kỳ của nước Áo làm chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, bắt đầu từ 1/7.

Trên giấy tờ, thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh khẳng định EU sẽ tiếp tục thảo luận về cải tổ Hiệp định Dublin, được cho là sẽ tạo ra một sự chia sẻ cân bằng hơn giữa các nước thành viên trong giải quyết vấn đề về người di cư, nhưng lại không đưa ra một thời hạn nào và nhóm Visegrad thì tiếp tục từ chối đón tiếp người nhập cư. Đây sẽ là một chủ đề hóc búa tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ mới khi được xới lại trong tương lai.

Lập trường cứng rắn của Italy đã làm dấy lên mối căng thẳng chính trị trong EU, mặc dù thực tế rằng làn sóng người di cư vào nước này đã giảm 96% kể từ đỉnh cao của cuộc khủng hoảng di cư châu Âu vào năm 2015, đồng thời điều này cũng cảnh báo nguy cơ phong trào dân túy sẽ tận dụng bất kỳ thất bại nào trong việc giải quyết vấn đề di cư để tấn công phe thân châu Âu. Dù cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về vấn đề người di cư nhưng thực sự kết quả này là vô cùng mong manh và bất đồng thì vẫn còn đó.

Các nhà lãnh đạo EU và nước chủ nhà luân phiên Áo sẽ còn phải đau đầu tìm ra các giải pháp có thể đáp ứng những mong muốn rất đa dạng và thậm chí là đầy mâu thuẫn của các nước thành viên trong việc hóa giải cuộc khủng hoảng về di cư.

Vậy là sau khoảng thời gian một năm tương đối ổn định với kết quả bầu cử thuận lợi cho phe thân châu Âu ở Hà Lan và Pháp cùng với một đà tăng trưởng kinh tế vững chắc, các nhà lãnh đạo EU hiện lại phải đối mặt với một cơn bão về chính trị mới khởi nguồn từ vấn đề người di cư có nguy cơ gây chia rẽ các nước thành viên, thậm chí có thể đe dọa đến tương lai mô hình hội nhập sâu rộng mà châu Âu đang theo đuổi lâu nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục