Thỏa thuận về trần nợ là nhân tố tiêu cực với thị trường tài chính

Nếu được Quốc hội thông qua, thỏa thuận trên nguyên tắc sẽ giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ, trước khi Bộ Tài chính hết ngân sách để trang trải các chi phí vào ngày 5/6.
Thỏa thuận về trần nợ là nhân tố tiêu cực với thị trường tài chính ảnh 1Kiểm đếm đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một số chuyên gia, thông tin tích cực về một thỏa thuận dự kiến để tháo gỡ thế bế tắc về trần nợ công của Mỹ có thể nhanh chóng trở thành nhân tố tiêu cực đối với thị trường tài chính.

Nhà đầu tư tạm thở phào

Ngày 27/5, truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lập pháp phe Cộng hòa đã đạt thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công.

Theo các nguồn thạo tin, Nhà Trắng và các nhà đàm phán đã đạt một thỏa thuận trên nguyên tắc để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Nếu được Quốc hội thông qua, thỏa thuận sẽ giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ, trước khi Bộ Tài chính hết ngân sách để trang trải các chi phí vào ngày 5/6.

Tổng thống Biden đã ca ngợi thỏa thuận sơ bộ về việc nâng trần nợ công của nước này là "một bước tiến quan trọng," đồng thời cho rằng đây vẫn là một thỏa hiệp bảo vệ các ưu tiên chính của đảng Dân chủ.

Truyền thông Mỹ cho biết theo thỏa thuận, mức chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi đối với tài khóa hiện tại và tài khóa 2024. Hiện chưa có giới hạn ngân sách sau năm 2025. Nhóm đàm phán vẫn đang nỗ lực hoàn tất nội dung thỏa thuận.

Tuy nhiên, thỏa thuận trên vẫn còn phải đối mặt với một con đường khó khăn để thông qua tại Quốc hội trước khi chính phủ cạn tiền để thanh toán vào đầu tháng Sáu.

[Mỹ: Nhà Trắng và phe Cộng hòa tại Hạ viện đạt được thỏa thuận trần nợ]

Giám đốc tại công ty tư vấn KlarityFX, Amo Sahota, nhận định thông tin về thỏa thuận sơ bộ là tin tức tốt lành đối với thị trường, đồng thời củng cố niềm tin cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất một lần nữa. Tuy nhiên, thị trường vẫn muốn chờ đợi về chi tiết của thỏa thuận.

Theo các nhà quan sát, bước tiến trong đàm phán nâng trần nợ công đã giúp các nhà đầu tư có thể "thở phào" nhẹ nhõm trong thời gian ngắn. Một khi lưỡng đảng đạt được thỏa thuận, Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ nhanh chóng lấp đầy các két rỗng bằng việc phát hành trái phiếu và huy động hàng trăm tỷ USD tiền mặt từ thị trường.

Ước tính gần đây của JPMorgan cho rằng việc tăng trần nợ dự kiến sẽ được thực hiện thông qua chương trình phát hành lượng trái phiếu trị giá mới trị giá gần 1.100 tỷ USD trong 7 tháng tới, một con số khá lớn trong khoảng thời gian ngắn.

Nỗi lo chưa dứt

Kế hoach phát hành trái phiếu quy mô lớn trong bối cảnh lãi suất ở mức cao như hiện nay, sẽ làm cạn kiệt nguồn dự trữ của các ngân hàng, khi các khoản tiền gửi do các công ty tư nhân và những đơn vị khác nắm giữ được chuyển sang khoản nợ chính phủ có mức chi trả cao hơn và tương đối an toàn hơn.

Tình trạng trên sẽ làm nổi bật xu hướng rút tiền gửi vốn đã phổ biến, gây thêm áp lực đối với thanh khoản đối với các ngân hàng, đẩy lãi suất đối với các khoản vay và trái phiếu ngắn hạn lên cao, đồng thời khiến việc huy động vốn trở nên đắt đỏ hơn đối với các công ty vốn đã quay cuồng với môi trường lãi suất cao.

Thierry Wizman, nhà chiến lược tại tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Macquarie, dự đoán sẽ có rất nhiều đợt phát hành trái phiếu và tín phiếu trong vài tuần tới vì Bộ Tài chính Mỹ phải bổ sung thêm tiền mặt.

Thỏa thuận về trần nợ là nhân tố tiêu cực với thị trường tài chính ảnh 2Trụ sở Ngân hàng PacWest Bancorp tại Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: GC/TTXVN)

Một chiến lược gia của BNP ước tính khoảng 750-800 tỷ USD có thể rút khỏi các hình thức như tiền gửi ngân hàng hay giao dịch qua đêm với Fed. Sự suy giảm thanh khoản này sẽ được sử dụng để mua lượng trái phiếu trị giá 800-850 tỷ USD vào cuối tháng Chín.

Alex Lennard, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản toàn cầu Ruffer, cho biết mối lo ngại được đặt ra là nếu một lượng lớn thanh khoản rời khỏi hệ thống, thị trường có nguy cơ đổ vỡ.

Mike Wilson, chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, cũng lưu ý việc phát hành trái phiếu sẽ hút một lượng lớn thanh khoản ra khỏi thị trường và có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho sự điều chỉnh trên thị trường.

Rủi ro có thể chưa được đánh giá đầy đủ

Tuy nhiên, tình trạng cạn kiệt thanh khoản không phải là điều chắc chắn, khi các quỹ tương hỗ có thể mua vào trái phiếu. Ông Daniel Krieter, quan chức cấp cao tại BMO Capital Markets lưu ý trong trường hợp này, tác động đối với thị trường tài chính rộng lớn hơn sẽ nhẹ nhàng hơn.

Dù vậy, ông Krieter nói thêm sự cạn kiệt thanh khoản của các ngân hàng có thể có tác động nhiều hơn đối với các tài sản rủi ro, đặc biệt là vào thời điểm bất ổn trong lĩnh vực tài chính gia tăng.

Một số ngân hàng bày tỏ lo ngại rằng thị trường tài chính có thể không tính đến rủi ro do tình trạng cạn kiệt thanh khoản dự trữ của các ngân hàng.

Mặc dù chỉ số S&P 500 đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay, song ông Scott Schulte, một Giám đốc điều hành tại Citigroup, nhận định các tài sản rủi ro có thể chưa được định giá đầy đủ trước tác động tiềm ẩn của việc thắt chặt thanh khoản trong hệ thống thông qua việc phát hành trái phiếu.

Các chủ ngân hàng hy vọng rằng sự bế tắc về trần nợ sẽ được giải quyết mà không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục