Thỏa thuận thương mại Anh-Mỹ và những hệ lụy

Từ câu nhấn mạnh trên Twitter của ông Trump: "một khi Anh được giải phóng khỏi những xiềng xích, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ-Anh có thể thực hiện được," báo chí châu Âu có nhiều góc nhìn khác nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Đệ nhất phu nhân Melania Trump tới sân bay Stansted ở London, Anh ngày 3/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

Với danh nghĩa là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nên Anh không thể ký các hiệp định song phương vào lúc này.

Tuy nhiên, "một khi Anh được giải phóng khỏi những xiềng xích, thỏa thuận này có thể thực hiện được," ông Trump nhấn mạnh như vậy trên mạng xã hội Twitter.

Bình luận về sự kiện này, báo chí châu Âu số ra mới đây có nhiều góc nhìn khác nhau.

Tuần báo chính trị The Spectator (Anh) nhận xét ông Trump là người khoan hòa với chính phủ Anh hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama.

Theo tuần báo này, Chính quyền Trump muốn đề xuất một thỏa thuận thương mại với Anh. Ông Trump đã khẳng định rằng một khi Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, nước này sẽ là nước đầu tiên trong "danh sách lựa chọn" của Mỹ.

Ngược lại, ông Obama đe dọa xếp Anh vào "danh sách lựa chọn cuối cùng." Không thể phủ nhận đề xuất của ông Trump là một tín hiệu tốt lành đối với London.

Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Anh. Đây là một cơ hội mà nước Anh cần nắm lấy và cũng là điều mà Thủ tướng Anh Theresa May đã không làm được.

Trong khi đó, nhật báo La Vanguardia (Tây Ban Nha) cho rằng Anh có thể sẽ gặp phải những bất ngờ không mấy dễ chịu trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

['Gánh nặng đường xa' của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tới Anh]

Theo nhật báo này, danh sách các nạn nhân của Trump rất dài, từ Mexico tới Trung Quốc qua EU. Không có gì đảm bảo rằng Anh sẽ không tham gia danh sách đó. Nếu cuối cùng Anh lựa chọn một Brexit không thỏa thuận, nước này có thể tìm cách tăng cường quan hệ với Mỹ - đồng minh truyền thống của Anh - như những người ủng hộ Brexit tuyên bố.

Vậy mà, lập trường đàm phán của Anh vốn làm suy yếu EU lại không phải là lựa chọn tối ưu. Điều đó là vì trong đàm phán với Mỹ, phía Mỹ sẽ ở thế thượng phong, có thể sẽ buộc Anh phải có thêm những nhượng bộ mà họ không mong muốn.

Cùng quan điểm với nhật báo La Vanguardia, nhật báo Adevarul (Romania) khẳng định Anh sẽ là nạn nhân tiếp theo của Mỹ và người Mỹ sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ thỏa thuận này.

Nhật báo này nhận định một số quy định của thỏa thuận sẽ cho phép Mỹ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của họ tại thị trường Anh.

Lĩnh vực này rất dễ bị tổn thương vì sau xung đột thương mại với Mỹ, nhiều thị trường lớn trên thế giới đã nâng mức thuế đánh vào hàng hóa của Mỹ tới mức các sản phẩm của nước này không thể cạnh tranh được tại những nơi đó.

Mặt khác, một lượng lớn sản phẩm của Mỹ không tìm được thị trường tiêu thụ trên thế giới do chúng là các sản phẩm biến đổi gene hoặc có chứa hormone tăng trưởng hay quá trình sản xuất có sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm tại EU.

Nhật báo The Irish Time (Ireland) lại lo ngại rằng một thỏa thuận giữa Mỹ và Anh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Ireland.

Các nhà đàm phán Mỹ đã cho thấy rõ rằng họ sẽ áp đặt các điều kiện của thỏa thuận liên quan tới các sản phẩm nông nghiệp, các quy định về bảo vệ người lao động và tiêu chuẩn môi trường.

Trong trường hợp này, biên giới Ireland sẽ là tâm điểm xung đột giữa Mỹ, EU và Anh. Kinh tế Ireland phụ thuộc vào hoạt động thương mại với hai đối tác lớn này. Hiện nay, xung đột xảy ra đẩy Ireland vào thử thách hết sức khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục