'Thỏa thuận thế kỷ' hay 'cuộc chơi chờ đợi' của Trump ở Trung Đông?

Chuyến công du các quốc gia Trung Đông của Cố vấn cấp cao Jared Kushner đã làm dấy lên những đồn đoán tiếp theo về “Thỏa thuận thế kỷ” mà chính quyền Mỹ đang theo đuổi.
Biển báo của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) tại làng al-Badhan, phía bắc Nablus, Bờ Tây, ngày 25/8/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Biển báo của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) tại làng al-Badhan, phía bắc Nablus, Bờ Tây, ngày 25/8/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tuần báo Al-Ahram của Ai Cập ngày 8/3 đăng bài phân tích về những diễn biến thời gian gần đây liên quan tới kế hoạch hòa bình Trung Đông hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi, nội dung như sau:

Chuyến công du các quốc gia Trung Đông của Jared Kushner, Cố vấn cấp cao đồng thời là con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vừa qua đã làm dấy lên những đồn đoán tiếp theo về “Thỏa thuận thế kỷ” mà chính quyền Mỹ đang theo đuổi nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Palestine và Israel.

Đặc biệt, cuộc phỏng vấn mà ông Kushner dành cho kênh truyền hình Sky News khi ở thăm Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một trong những điểm đến cùng với Saudi Arabia, Oman, Bahrain, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, đã tạo ra những tranh luận ở Israel trong bối cảnh Tel Aviv đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm vào tháng 4 tới và dư luận thế giới Arab rất quan tâm đến tình hình Jerusalem và quyền được trở lại của người dân Palestine.

Theo các nguồn tin chính thức ở Cairo, kế hoạch hòa bình Trung Đông vẫn còn những điểm chưa hoàn thiện, đặc biệt là những nguyên tắc rõ ràng mà bất kỳ kế hoạch nào cũng phải bao hàm. Đây là điều mà Ai Cập đã nhắc tới tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-Liên đoàn Arab (EU-AL) được tổ chức hồi cuối tháng 2 vừa qua tại thành phố Sharm El-Sheikh.

Khi Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah Al-Sisi gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bên lề hội nghị thượng đỉnh này, ông Sisi tái khẳng định quyết tâm của Ai Cập ủng hộ sự chính nghĩa của người dân Palestine, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Palestine để hoạch định một tầm nhìn chiến lược nhằm tạo dựng khuôn khổ hành động mang tính xây dựng, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự ổn định của tình hình khu vực.

[Mỹ tiếp tục tìm cách tái khẳng định chính sách Trung Đông]

Tổng thống Sisi cũng nhấn mạnh cam kết “trước sau như một” của Ai Cập hướng tới giải pháp hai nhà nước, trong đó một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô ở Đông Jerusalem và có đường biên giới trước tháng 6/1967.

Trong khi đó, Saudi Arabia cũng nhắc lại lập trường của mình về Jerusalem, nhấn mạnh không nên can thiệp vào hiện trạng lịch sử và pháp lý của thành phố này. Đáng chú ý, quan điểm của Saudi Arabia cũng đã được Jordan chia sẻ và ủng hộ, thể hiện sự đoàn kết giữa Riyadh và Amman.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Liên đoàn các Nghị viện Arab diễn ra tại Amman tuần qua, ông Sheikh Abdullah Al-Sheikh, Chủ tịch Hội đồng Shura của Saudi Arabia, cho biết Riyadh phản đối bất kỳ hành vi xâm phạm nào tới hiện trạng lịch sử và pháp lý của Jerusalem, đồng thời lên án các giải pháp kêu gọi công nhận Jerusalem là thủ đô của lực lượng chiếm đóng Israel.

Said Okasha, chuyên gia về các vấn đề Israel, đánh giá tương lai của Jerusalem vẫn là một điểm nút thắt chủ chốt cần phải giải quyết trong nỗ lực đạt được một giải pháp chung, trong bối cảnh thế giới Arab sẽ phản đối kịch liệt bất kỳ sự xâm phạm nào tới thành phố linh thiêng này. Chắc chắn sẽ không có nhà lãnh đạo Arab nào mạo hiểm đi ngược lại hay thách thức sự đồng thuận đó.

Chuyên gia Okasha phân tích: “Chính quyền Washington dường như thấu hiểu điều này. Đúng là Mỹ đã di chuyển Đại sứ quán của họ tới Jerusalem, song cùng lúc, họ không hề đề cập đến đường biên giới của Jerusalem, có nghĩa là thủ đô được đề xuất của nhà nước Palestine có thể bao gồm một phần Jerusalem cùng với ngôi làng Abu Dis. Tuy nhiên, điều quan trọng là khu vực Thánh địa cần phải nằm trong thủ đô của Nhà nước Palestine. Ngược lại, 'thỏa thuận thế kỷ' vẫn sẽ đổ vỡ, bất chấp các giải pháp mang tính kỹ thuật như tạo ra các con đường liên kết Jerusalem với các khu vực Arab khác.”

Truyền thông phương Tây thời gian qua nhắc nhiều tới khái niệm “hòa bình kinh tế,”tức là việc Mỹ có kế hoạch huy động hàng chục tỷ USD để đầu tư vào Dải Gaza, Bờ Tây và các quốc gia láng giếng như một sáng kiến để thuyết phục các bên ủng hộ “Thỏa thuận thế kỷ.”

Điều này đã được một nguồn tin vùng Vịnh có liên quan đến các cuộc đàm phán của ông Kushner trong chuyến công du Trung Đông xác nhận.

Thời báo New York dẫn nguồn tin này cho biết: “Mỹ đang trong quá trình giới thiệu các ý tưởng và kịch bản khác nhau, song dường như Washington vẫn chưa đi đến điểm mấu chốt cuối cùng của kế hoạch.”

'Thỏa thuận thế kỷ' hay 'cuộc chơi chờ đợi' của Trump ở Trung Đông? ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Quốc vương Jordan Abdullah II. (Nguồn: aawsat.com)

Trong khi đó, một nguồn tin khác cho rằng ông Kushner muốn các bên đạt được thỏa thuận trước và sau đó mới nhất trí về những điều khoản chi tiết.

Tướng Mohamed Ibrahim, một chuyên gia tại Cairo về các vấn đề Palestine, cho rằng kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh. Kế hoạch này sẽ chỉ được công bố sau cuộc bầu cử ở Israel, như bản thân ông Kushner đã tuyên bố.

Ông Ibrahim nhận định bất kỳ kế hoạch hòa bình nào cũng phải đáp ứng nguyện vọng của thế giới Arab nhằm duy trì quyền lợi chính đáng của người dân Palestine và các nghị quyết quốc tế liên quan tới Palestine. Những điều khoản sẽ được đưa ra có thể chấp nhận và không thể chấp nhận. Điều quan trọng là các bên sẽ không hành động hoặc đưa ra ý kiến một cách vội vàng.

Đó là một cách tiếp cận mà Tổng thống Abbas đồng ý. Ông Abbas đã nói rõ rằng người dân Palestine sẽ không chấp nhận một thỏa thuận không đáp ứng được yêu cầu của họ. Martin Indyk, đặc phái viên Mỹ về Trung Đông dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng chia sẻ quan điểm rằng thế giới Arab sẽ không bao giờ ủng hộ một kế hoạch không quy định rõ ràng về nhà nước Palestine có chủ quyền.

Trong cuộc phỏng vấn trên Sky News, ông Kushner đã kết nối “kế hoạch chính trị” với các nguồn lợi kinh tế. Ông Kushner nói: “Kế hoạch chính trị vốn rất chi tiết, có liên quan tới việc thiết lập đường biên giới và giải quyết vấn đề hiện trạng cuối cùng. Mục tiêu giải quyết các đường biên giới này chính là loại bỏ nó. Nếu bạn có thể loại bỏ đường biên giới, xây dựng nền tảng hòa bình và hạn chế nguy cơ khủng bố, dòng hàng hóa có thể dịch chuyển tự do hơn, người dân có thể đi lại dễ dàng hơn và điều đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn.”

Giới chuyên gia nhận định chính quyền Trump sẽ chưa đưa ra thời hạn chót cho việc chấp nhận hay từ chối kế hoạch hòa bình Trung Đông.

Liên quan đến lãnh thổ được đề xuất cho Nhà nước Palestine, kế hoạch có thể sẽ bao gồm một phần lớn Bờ Tây và Dải Gaza.

Đối với người tị nạn, kế hoạch hướng tới giải quyết cho 5.000 người Palestine, những người được coi là thế hệ đầu tiên bị trục xuất khỏi các vùng lãnh thổ này trước nghị quyết phân vùng năm 1947.

Những thế hệ sau đó sẽ được phân nhóm theo điều khoản liên quan đến các quốc gia mà họ đang cư trú hoặc các dự án tiếp nhận họ với tư cách công dân Palestine đang học tập hoặc làm việc ở nước ngoài.

Về phía Israel, kết quả cuộc bầu cử sắp diễn ra ở nước này có thể tạo ra các kịch bản khác nhau. Nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn giành chiến thắng như nhiều cuộc thăm dò ý kiến gần đây dự báo thì liên minh theo đường lối bảo thủ tại Israel sẽ có động lực lớn hơn để phản đối “Thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ.

Ngược lại, nếu ông Netanyahu thất bại, một chính phủ khác theo đường lối cởi mở hơn với thỏa thuận hòa bình Trung Đông có thể được thành lập. Điều này lý giải tại sao ông Netanyahu liên tục hối thúc Mỹ tiết lộ kế hoạch hòa bình Trung Đông trước thời điểm bầu cử./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục