Thỏa thuận OPEC+ có thể ngăn giá dầu chạm ngưỡng 100 USD mỗi thùng?

Những dự đoán về triển vọng giá dầu tăng lên tới 100 USD/thùng trong những tháng tới do một số ngân hàng đầu tư và những người tham gia thị trường đưa ra sẽ ít có khả năng thành hiện thực hơn.
Một cơ sở khai thác dầu. (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Giới quan sát cho rằng việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+)  đồng ý tăng sản lượng từ tháng Tám tới sẽ đủ để chấm dứt những đồn đoán trên thị trường về khả năng giá “vàng đen” phá ngưỡng 100 USD/thùng, ít nhất là trong hiện tại.

Nút thắt được gỡ bỏ

Ngày 18/7, các bộ trưởng Năng lượng của OPEC+ nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8-12/2021, qua đó bổ sung tổng cộng 2 triệu thùng dầu/ngày vào nguồn cung toàn cầu cho tới cuối năm.

Ngoài ra, OPEC+ cũng đồng ý chương trình phân bổ sản lượng mới từ tháng 5/2022 và giải quyết tranh chấp do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khơi gợi, khi nước này muốn nâng ngưỡng cơ sở hạn ngạch sản lượng của mình.

Theo thỏa thuận mới đạt được, ngưỡng sản lượng dầu cơ sở của UAE sẽ tăng thêm khoảng 332.000 thùng/ngày từ tháng năm, trong khi ngưỡng sản lượng dầu cơ sở của Saudi Arabia và Nga sẽ tăng 500.000 thùng/ngày, còn Iraq và Kuwait tăng 150.000 thùng/ngày.

OPEC+ cũng có kế hoạch chấm dứt tất cả yêu cầu hạn chế sản lượng vào tháng 9/2022. Song mục tiêu này còn phụ thuộc vào tình trạng của thị trường dầu toàn cầu vào khoảng thời gian đó.

[OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ từ tháng Tám]

Khi tình trạng bế tắc của OPEC+ được giải quyết và nguồn cung dầu thô cho thị trường toàn cầu tăng lên, giới quan sát lại đặt ra một câu hỏi tuy đơn giản nhưng rất khó trả lời: Liệu sự gia tăng nguồn cung có thể lấn át sự phục hồi của nhu cầu năng lượng, dẫn đến giá dầu thô giảm?

Nhu cầu dầu tại châu Á

Những người tin rằng giá dầu sẽ tiếp tục lên cao viện dẫn rằng nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 với nhiều quốc gia mở cửa trở lại hơn, khi số lượng người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngày một tăng.

Còn đối với những người đặt cược vào khả năng giá dầu sẽ giảm, họ đánh giá quá trình phục hồi dù đang xảy ra nhưng không đủ nhanh, mạnh và mức độ lan tỏa không đồng đều. Hiện các nước khu vực Bắc Mỹ và châu Âu đang phục hồi nhanh hơn, còn châu Á và các quốc gia đang phát triển như châu Phi và Nam Mỹ thì tụt hậu.

Cho đến nay, các bằng chứng về nhu cầu dầu thô toàn cầu dường như ủng hộ phía giá giảm, đặc biệt là tại khu vực thị trường nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới-châu Á.

Theo ước tính của bộ phận nghiên cứu thị trường năng lượng thuộc Refinitiv (Anh-Mỹ), nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng Bảy này là 22,59 triệu thùng/ngày - giảm so với mức 23,78 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó và 23,04 triệu thùng/ngày của tháng Năm vừa qua.

Mặc dù số liệu trên có thể được điều chỉnh cao hơn vào cuối tháng, nhưng đây là bằng chứng ban đầu cho thấy nhu cầu dầu thô sẽ còn mất thêm thời gian mới gia tăng ở châu Á.

Sự suy yếu của tháng Bảy chủ yếu do nhu cầu giảm ở Ấn Độ, nhà nhập khẩu số hai của khu vực và chỉ xếp sau Trung Quốc. Refinitiv dự báo quốc gia Nam Á này sẽ tiêu thụ 3,33 triệu thùng dầu/ngày trong tháng hiện tại, giảm so với 4,14 triệu thùng/ngày của tháng Sáu vừa qua. Lý do là đợt bùng phát dịch COVID-19 mới ở Ấn Độ trong những tháng gần đây khiến chính phủ phải phong tỏa nhiều hoạt động kinh tế, kéo theo nhu cầu nhiên liệu lao dốc.

Một dấu hiệu khác không mấy lạc quan hơn là nhập khẩu dầu tháng Bảy của Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt là 9,55 triệu thùng/ngày và 2,01 triệu thùng/ngày, đều giảm so với mức của tháng trước đó lần lượt là 9,81 triệu thùng/ngày và 2,27 triệu thùng /ngày.

Các bể chứa nhiên liệu tại một trạm của Công ty Colonial Pipeline ở Woodbine, bang Maryland, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong số bốn nhà nhập khẩu hàng đầu ở châu Á, chỉ có Hàn Quốc được dự báo sẽ tăng nhập khẩu dầu thô trong tháng này. Nhưng mức tăng của quốc gia Đông Á cũng tương đối nhỏ, chỉ từ 2,76 triệu lên 3,17 triệu trong cùng giai đoạn.

Chênh lệch giá giữa các loại dầu

Giới phân tích lưu ý thị trường châu Á cũng đang đối mặt sự không thống nhất giữa giá dầu thô giao kỳ hạn, chẳng hạn như dầu Brent Biển Bắc, với dầu vật chất được xuất đi từ khu vực cung cấp dầu chính cho thị trường này là Trung Đông.

Họ đã chỉ ra rằng chỉ số trao đổi Brent-Dubai (Brent-Dubai EFS), vốn dùng để đo chênh lệch giữa giá dầu Brent giao kỳ hạn và dầu thô vật chất ở thị trường Dubai, đã kết thúc phiên 16/7 mức tương đối lớn là 3,79 USD/thùng. Mức này không quá xa mức cao nhất kể từ tháng 4/2018 là 4,38 USD/thùng ghi nhận hồi phiên 7/7 vừa qua.

Điều này có nghĩa là dầu Brent kỳ hạn và các loại dầu thô được định giá theo nó đang được giao dịch với mức chênh lệch cao kỷ lục so với dầu thô từ Trung Đông.

Với thỏa thuận OPEC+ đã thành sự thật, nhiều khả năng các nhà đầu tư trên thị trường kỳ hạn sẽ buộc phải đối mặt với thực tế rằng phần lớn nhu cầu dầu thô vẫn yếu và thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

Dựa trên những đánh giá này, giới chuyên gia nhận định thỏa thuận mới nhất của OPEC+ không nhất thiết sẽ chấm dứt đà tăng giá của dầu, nhưng nó sẽ làm thay đổi phần cung của thị trường. Điều này có nghĩa những dự đoán về triển vọng giá dầu tăng lên tới 100 USD/thùng trong những tháng tới do một số ngân hàng đầu tư và những người tham gia thị trường đưa ra sẽ ít có khả năng thành hiện thực hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục